Sau Tổng thống, đến lượt quyền Tổng thống Hàn Quốc có thể bị luận tội
Đảng Dân chủ đối lập tại Hàn Quốc, hiện đang nắm đa số tại Quốc hội, ngày 26/12 thông báo đệ trình đơn đề nghị luận tội đối với quyền Tổng thống Han Duck-soo, dự kiến sẽ chính thức bỏ phiếu về vấn đề này ngày 27/12, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.
Thông tin về việc đảng Dân chủ Hàn Quốc muốn luận tội quyền Tổng thống Han đã xuất hiện từ cách đây ít ngày, tuy nhiên, đại diện đảng này mới chính thức thông báo về động thái ngày 26/12.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp của Quốc hội, nghị sĩ Park Sung-joon của đảng Dân chủ thông báo: “Chúng tôi đã làm đơn và sẽ báo cáo lên phiên họp toàn thể trong ngày hôm nay. Một cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức vào ngày mai”.
Nguyên nhân của việc đảng Dân chủ muốn luận tội ông Han chính là do ông này từ chối phê chuẩn việc bổ nhiệm ba ứng cử viên thẩm phán để lấp đầy một hội đồng gồm 9 thành viên của Tòa án Hiến pháp nhằm hoàn tất quá trình phế truất Tổng thống Yoon Suk-yeol, hay nói cách khác là trì hoãn thủ tục phế truất ông Yoon. Việc ông Han từ chối chính thức bổ nhiệm ba thẩm phán chứng tỏ ông “không có ý chí hoặc trình độ để duy trì Hiến pháp”, lãnh đạo đảng Dân chủ Park Chan-dae chỉ trích.
Ông Han từng khẳng định rằng ông sẽ chứng nhận việc bổ nhiệm các thẩm phán chỉ khi đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền của ông và phe đối lập đạt được sự thỏa hiệp về những người được đề cử. Cả ba vị trí đều đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua. Trong đó, hai người do đảng Dân chủ đề cử và một người do đảng cầm quyền đề cử.
Yonhap đưa tin, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc dự kiến tổ chức phiên điều trần đầu tiên ngày 27/12. Trong vòng 180 ngày, Tòa án Hiến pháp phải cân nhắc và đưa ra quyết định có nên bãi nhiệm Tổng thống Yoon hay phục chức cho ông. Nếu Tòa án quyết cách chức ông Yoon hoặc ông từ chức, một cuộc bầu cử Tổng thống phải được tổ chức trong vòng 60 ngày. Nghị sĩ đảng Dân chủ Jung Chung-rae, người đứng đầu Ủy ban Lập pháp và Tư pháp của Quốc hội, đang dẫn đầu các nỗ lực pháp lý nhằm bãi nhiệm ông Yoon.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, để phế truất một Tổng thống bị luận tội, tất cả thành viên trong Tòa án Hiến pháp phải đồng ý với việc này. Hiện Tòa án Hiến pháp còn khuyết ba vị trí, nếu không thể được lấp đầy kịp thời, cả 6 thành viên đều phải bỏ phiếu nhất trí với việc bãi nhiệm ông Yoon thì ông mới bị cách chức. Nếu có một phiếu phản đối phế truất, ông Yoon sẽ được phục chức, theo Reuters.
Tổng thống Yoon Suk-yeol, người đã bị Quốc hội luận tội vào ngày 14/12 trong một cuộc bỏ phiếu vì động thái thiết quân luật ngắn hồi đầu tháng, đã không nộp các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu của Tòa án cho đến ngày 26/12, người phát ngôn của tòa Lee Jean cho biết trong một cuộc họp báo. Trước đó, ông đã không đáp lại và tuân thủ lệnh triệu tập vào hôm 25/12 để thẩm vấn trong một cuộc điều tra hình sự riêng biệt.
Trong một diễn biến có liên quan, Văn phòng Điều tra Tham nhũng dành cho quan chức cấp cao của Hàn Quốc đã gửi lệnh triệu tập lần thứ ba yêu cầu Tổng thống Yoon có mặt tại trụ sở ngày 29/12. Việc ông Yoon liên tục bất tuân đã làm dấy lên sự chỉ trích và kêu gọi bắt giữ ông từ phe đối lập. Mặc dù bị luận tội, hiện ông Yoon vẫn chưa bị cách chức, đồng nghĩa với việc ông sẽ được miễn trừ đối với hầu hết các cáo buộc, ngoại trừ tội nổi loạn hoặc phản quốc. Trong thời gian này, ông Han giữ vị trí quyền Tổng thống. Đến nay, cố vấn pháp lý của ông Yoon vẫn chưa được công bố.
Theo các trang tin của Hàn Quốc, là một cựu công tố viên, ông Yoon có thể nhờ đến các đồng nghiệp cũ hoặc thậm chí có thể tự đại diện cho bản thân trước tòa. Kim Hong-il, cựu công tố viên và cựu giám đốc cơ quan quản lý phát thanh truyền hình dưới thời ông Yoon, cũng như cựu phát ngôn viên Tòa án Hiến pháp Bae Bo-yoon, dự kiến sẽ tham gia nhóm luật sư của ông Yoon trong quá trình xem xét luận tội và điều tra hình sự. Nhìn lại quá khứ, từng có tiền lệ về việc một quyền Tổng thống bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Hiến pháp, như đã xảy ra khi cựu Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội vào năm 2016-2017.
Cũng trong vụ việc này, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã mất ba tháng để đưa ra quyết định bãi nhiệm bà Park. Lần này, nhiệm kỳ của hai trong số các thẩm phán Tòa án Hiến pháp sẽ kết thúc vào tháng 4/2025 và các chuyên gia pháp lý dự đoán tòa có thể sẽ tìm cách ra phán quyết trước thời điểm đó để giảm thiểu sự không chắc chắn.
Theo các chuyên gia của Hàn quốc, các thẩm phán Tòa án Hiến pháp trước đây không bỏ phiếu theo khuynh hướng chính trị mà quyết định từng trường hợp cụ thể. Những nỗ lực nhằm tập hợp sự ủng hộ của người dân đối với ông Yoon được cho là sẽ không ảnh hưởng đến phán quyết của tòa án, vì cựu Tổng thống Park Geun-hye đã bị phế truất bất chấp các cuộc biểu tình liên tục diễn ra để ủng hộ việc giữ bà tại vị.
Năm 2004, Tổng thống khi đó là ông Roh Moo-hyun đã bị luận tội với cáo buộc không duy trì sự trung lập chính trị, một yêu cầu đối với một viên chức công quyền cấp cao. Tòa án đã bác bỏ động thái này sau khoảng hai tháng cân nhắc và ông Roh đã hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm của mình.