Sau tròn 2 năm, hàng trăm cá voi tiếp tục mắc cạn ở Australia
Khoảng 230 con cá voi đã tiếp tục mắc cạn tại khu vực cảng Macquarie, bờ biển phía tây của bang Tasmania, Australia, sau tròn hai năm kể từ khi một vụ mắc cạn hàng loạt tương tự xảy ra ở khu vực này.
Hàng trăm con cá voi đã mắc cạn trên bờ biển phía tây của bang Tasmania, gần thị trấn Strahan, chỉ một ngày sau một sự kiện mắc cạn hàng loạt khác trên đảo King.
Bộ Tài nguyên và môi trường bang Tasmania xác nhận rằng, một đàn cá voi khoảng 230 con đã mắc cạn trên bãi biển Ocean, gần lối vào bến cảng Macquarie. Một số con còn bị mắc cạn trên bãi cát bên trong cảng Macquarie.
Trong một tuyên bố, Bộ này cho biết: "Có vẻ như khoảng một nửa số cá voi còn sống". Đồng thời, tuyên bố cho biết một nhóm tình nguyện từ Bộ cũng như từ Chương trình Bảo tồn Môi trường biển Tasmania (MCP) đang lắp ráp thiết bị cứu hộ cá voi và hướng đến khu vực này.
Họ sẽ làm việc cùng với các nhân viên từ Cơ quan Công viên và Động vật Hoang dã Tasmania và Cảnh sát Tasmania tại thị trấn Strahan.
“Các chuyên gia về động vật hoang dã biển sẽ đánh giá hiện trường và tình hình để lập kế hoạch ứng phó thích hợp”, tuyên bố cho hay. Bộ này còn cho biết: “Ứng phó trong lĩnh vực này rất phức tạp".
Ngày 21/9, ông Tom Mountney, người nuôi trồng thủy sản ở Petuna, đã có mặt tại bãi biển Ocean cùng với 5 đồng nghiệp để giúp cứu hộ. Ông chính là người cứu hộ trong vụ cá voi mắc cạn hàng loạt năm 2020 ở chính tại đây.
“Đó là một cảnh siêu thực” ông nói. “Tôi đang nhìn thấy khoảng 200 con cá voi trên bãi biển. Tôi muốn nói rằng khoảng một nửa còn sống. Chúng tôi đang khởi động nỗ lực giải cứu của mình, trùm lên cá voi những chiếc chăn đặc biệt. Con lớn nhất là hơn hai đến ba tấn. Chúng tôi đang phân loại những con nhỏ hơn”.
Ông nói, điều kiện thời tiết ở đây đang bình lặng và có thể nghe thấy tiếng kêu của một số con cá voi.
Ông Mountney cho biết, trước đó, trong ngày 21/9, ông cũng đã nhìn thấy khoảng 20 đến 30 con cá voi hoa tiêu mắc kẹt trên một bãi cát ở cảng Macquarie, một số con vẫn đang bơi.
Nhiều nguồn tin xác nhận với Guardian rằng, các con đường dẫn đến bãi biển Beach và cửa cảng Macquarie đã bị đóng. Người phát ngôn cho biết, cảnh sát Tasmania đã có mặt tại khu vực và hỗ trợ bảo đảm an toàn.
Sự kiện này diễn ra đúng hai năm sau khi vụ cá voi mắc cạn được ghi nhận là tồi tệ nhất Australia, xảy ra ở cùng một địa điểm. Vào ngày 21/9/2020, 470 con cá voi hoa tiêu vây dài được tìm thấy trên bãi cát. Nỗ lực cứu hộ kéo dài một tuần đã cứu được 111 con cá voi, nhưng các nhà chức trách đã phải xử lý hơn 350 xác cá voi.
Vụ việc ngày 21/9 năm nay xảy ra sau khi một loạt cá voi khác mắc cạn vào ngày hôm trước trên đảo King, phía bắc bang Tasmania. Ít nhất 14 con cá voi đã chết và dạt vào bờ biển.
Giáo sư Karen Stockin, một chuyên gia về mắc cạn cá voi và cá heo tại Đại học Massey, New Zealand, cho biết, bờ biển phía tây của Tasmania là một "điểm nóng" của một loại cá heo đại dương được gọi là cá voi hoa tiêu.
Bà cho biết, có nhiều lý do khiến việc mắc cạn có thể xảy ra, bao gồm cả sự thay đổi nhiệt độ nước do hiện tượng La Ninã hoặc El Ninõ, khiến các loài động vật tiến gần bờ hơn bình thường.
"Ở cá voi hoa tiêu, chúng có tính xã hội và gắn kết cao và nếu một con bị suy nhược hoặc đến quá gần bờ, hàng trăm con có thể dõi theo nó", bà giải thích.
Đầu tuần này, Giáo sư Stockin đã dẫn đầu một nghiên cứu cho thấy khi công chúng gây áp lực buộc lực lượng cứu hộ phải giúp đỡ cá voi, điều này có thể dẫn đến kết quả tiêu cực cho những con vật mắc cạn, kéo dài sự đau khổ của chúng.
Bình luận về vụ mắc cạn này, Tiến sĩ Olaf Meynecke, Trung tâm nghiên cứu biển và ven biển của Đại học Griffith cho biết: “Chắc chắn là rất bất thường khi một số lượng lớn cá voi mắc cạn. Chúng rất thông minh”.
Cơ quan Quản lý Môi trường và An toàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Australia (Nopsema) đã xác nhận với Guardian rằng: “không có cuộc khảo sát địa chấn nào được thực hiện ở các vùng biển thịnh vượng chung ngoài khơi bờ biển phía bắc hoặc phía tây của Tasmania trong tuần qua”.