Sau vụ bé trai tử vong vì mắc đầu vào cầu trượt, ông bố 2 con bủn rủn nhớ lại lần 'chết hụt' của con ở khu vui chơi
Khu vui chơi có bóng nhựa của trẻ em được quây bởi những tấm vách nhựa cứng. Trong tích tắc lơ là, anh Hưng đã phải hối hận khi con gái nhảy từ trên cao và bị thương do va đầu vào tấm vách.
Vụ bé trai 34 tháng tuổi ở Sóc Sơn (Hà Nội) tử vong do mắc đầu vào cầu trượt đã khiến các bậc cha mẹ đau xót, bàng hoàng. Họ càng hoang mang hơn khi thấy các bé dễ dàng gặp nạn ở chính những nơi vui chơi quen thuộc, tưởng chừng rất an toàn.
Vụ việc đau lòng trên khiến anh Nguyễn Hưng (gần 40 tuổi) ở quận Long Biên đã quyết định kể lại sự cố nguy hiểm mà con gái anh cũng từng gặp phải ở khu vui chơi dành cho trẻ em.
Anh Hưng cho biết, kết hôn đến gần 10 năm đằng đẵng, vợ chồng anh vẫn không thể có được mụn con. Nhờ có sự can thiệp của y học hiện đại, vợ anh Hưng đã mang bầu cùng lúc một bé trai và một bé gái.
Thế nhưng, sự mọi mong mỏi, niềm hân hoan của vợ chồng anh Hưng và hai bên gia đình chưa tày gang thì người con trai của anh Hưng mắc chứng bại não ngay từ khi lọt lòng.
Anh Hưng cho biết: "Hai con sinh đôi cũng đã được 4 tuổi, do bé trai bị chứng bại não từ khi sinh ra nên gia đình đang cho cháu theo học tại trung tâm giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đặc biệt. Còn bé gái thì đang theo lớp mẫu giáo tại một trường mầm non tư thục gần nhà".
Theo anh Hưng, do vất vả về đường con cái, nên bé gái là niềm hy vọng lớn nhất của gia đình. Cũng chính vì lẽ đó mà hai bên nội ngoại và vợ chồng mình đều rất quan tâm bé. Vào các buổi cuối tuần, hai vợ chồng đều cố gắng dành thời gian đưa con đến các điểm vui chơi dành riêng cho trẻ nhỏ. Thế nhưng, sự việc bất ngờ xảy ra với con gái, anh Hưng mới nhận ra rằng, chẳng có gì là an toàn với trẻ nhỏ nếu người lớn lơ là.
Anh Hưng kể, khoảng cuối tháng 10/2019, anh đưa con đến khu vui chơi trong một trung tâm thương mại gần nhà. Trong đó có một khu bóng nhựa, bóng nhựa này có kích thước nhỏ để tạo lực đỡ và sự an toàn khi các con nhảy từ trên cao. Khu bóng nhựa này được quây bởi các hàng rào nhựa cứng, có nhiều sắc màu bắt mắt.
Anh Hưng cho biết: "Cho con chơi, tôi không mảy may suy nghĩ về sự nguy hiểm nên tranh thủ dùng điện thoại, cho đến khi, con tôi khóc thét lên vì đầu bị đập vào tấm nhựa quây khu bóng, tôi mới bất giác giật mình. Không có nguy hiểm nào là không thể không xảy đến. Tôi thấy các bé rất thích thú trò chơi bóng, nhất là leo lên khu nhà nhựa rồi nhảy xuống. Nếu chẳng may các bé đập đầu hoặc những thanh nhựa cứng đập trúng cổ họng thì thực sự rất nguy hiểm. Hay đơn giản như khi các con chơi ghép hình, tưởng chẳng có gì nhưng khi chúng nô đùa nhau, những vật có kích thước nhỏ cũng rất dễ gây thương tích cho trẻ nhỏ".
Bằng nhìn nhận của một bậc phụ huynh, anh Hưng cho rằng, vụ việc đau lòng xảy ra tại Sơn Sơn vừa qua, khiến bé trai 34 tháng tuổi tử vong là do bé này trượt cầu sai tư thế. Trẻ nhỏ thì không thể hiểu và biết được nên chơi như thế nào là an toàn, nên việc này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người lớn.
Cũng theo anh Hưng, hiện tại, các trò chơi mang tính vận động như cầu trượt, đá bóng, hay cả những trò chơi trong nhà bóng đều chứa đựng và tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ nhỏ, cho dù chúng ta có sử dụng bất kể những biện pháp an toàn nào đi nữa cũng không thể loại trừ hết rủi ro, nguy hiểm.
Có những trẻ hiếu động, hay chạy nhảy, nô đùa, chỉ cần người lớn sơ ý cũng có thể trượt chân ngã ở sàn nhà, đập đầu vào tường chứ chưa cần phải đến chơi ở những nơi vui chơi. Chính vì thế, nhà trường, cô giáo cần phải nắm bắt được tâm lý trẻ, luôn nhắc nhở, giám sát, tham gia cùng các bạn nhỏ. Việc để mặc cho trẻ con vô tư vui đùa là điều tối kỵ với trẻ nhỏ. Chính vì thế, vai trò lớn nhất vẫn là ở con người, chỉ cần chúng ta thường xuyên giám sát, theo dõi, nhắc nhở các con mới là giải pháp tốt nhất trong việc phòng ngừa rủi ro, tai nạn đáng tiếc.