Sau vụ cháy 14 người chết, chủ nhà trọ làm gì để cho thuê đúng quy định?

Việc kinh doanh phòng trọ có phải xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy hay không phụ thuộc vào quy mô của của công trình. Hành vi kinh doanh nhà trọ nhưng không đăng ký kinh doanh theo quy định sẽ bị xử phạt.

Vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính khiến 14 người thiệt mạng lộ ra rất nhiều vấn đề liên quan đến quản lý loại hình nhà cho thuê đang tồn tại phổ biến hiện nay.

Quy định về PCCC với kinh doanh phòng trọ

Trao đổi với PV VietNamNet, luật sư Đặng Xuân Cường - Trưởng ban hình sự, Công ty luật TAT Law Firm cho biết, theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2013; Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy... thì đối với các công trình trong đó có nhà trọ, nhà cho thuê đều phải đảm bảo các điều kiện về PCCC theo quy định.

Theo luật sư Cường, việc kinh doanh phòng trọ có phải xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy hay không phụ thuộc vào quy mô của của công trình.

Dẫn quy định tại phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì các công trình cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có), văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Các công trình có quy mô nhỏ hơn định mức kể trên thì mặc dù không cần xin thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng vẫn phải đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC tại cơ sở.

Cụ thể, theo Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định thì chủ sử hữu công trình sẽ phải tuân thủ và đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC như: Có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ/biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn đúng chuẩn; Có phương án chữa cháy đã được phê duyệt; Hệ thống điện, chống sét, tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc dùng nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đúng theo tiêu chuẩn; Có hệ thống cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ công tác chữa cháy; hệ thống báo cháy, ngăn cháy, ngăn khói và thoát nạn, phương tiện cứu người đảm bảo đúng tiêu chuẩn; Có phân công và quy định nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy.

Đặt vấn đề đối với nhà trọ, nhà cho thuê quy mô hộ gia đình, ông Cường cho hay, do có quy mô nhỏ hơn nên nhà trọ, nhà cho thuê hộ gia đình không thuộc các trường hợp được quy định tại phụ lục V và phụ lục III Nghị định kể trên không phải xin giấy phép PCCC nhưng cần tuân thủ các điều kiện về PCCC.

Cách hiện trường vụ cháy ở Trung Kính không xa, con ngõ cụt này rộng chưa đầy 2m nhưng có đến 3 nhà cho thuê trọ. Có nhà không có ban công, chỉ có 1 ô cửa nhỏ hàn chặt song sắt. Ảnh: Đình Hiếu

Cách hiện trường vụ cháy ở Trung Kính không xa, con ngõ cụt này rộng chưa đầy 2m nhưng có đến 3 nhà cho thuê trọ. Có nhà không có ban công, chỉ có 1 ô cửa nhỏ hàn chặt song sắt. Ảnh: Đình Hiếu

Theo đó, nhà trọ, nhà cho thuê kinh doanh phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu và nơi thờ cúng đảm bảo an toàn, các chất dễ gây cháy, nổ phải cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chủ nhà phải chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy;

Có bản nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa, sử dụng các chất dễ cháy, nổ phù hợp với các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an; Có giải pháp thoát nạn, ngăn chặn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xử phạt nếu cho thuê nhà trọ không đăng ký kinh doanh

Liên quan đến hoạt động cho thuê nhà trọ, luật sư cho biết, đây là một hoạt động kinh doanh và không thuộc những trường hợp hoạt động thương mại. Chủ nhà có thể đăng ký theo hình thức hộ gia đình nếu kinh doanh nhỏ lẻ, số lượng thuê ít.

Chủ nhà phải thực hiện hoạt động cho thuê theo theo đúng giấy phép đã đăng ký, phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật, phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy…

“Hành vi kinh doanh nhà trọ nhưng không đăng ký kinh doanh theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 4 và Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021. Theo đó, người cho thuê nhà trọ để kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định thì bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân” - luật sư Cường nói.

Có sự buông lỏng quản lý trong công tác PCCC?

Từ thực tế trong những năm gần đây, vị Trưởng ban Hình sự, Công ty luật TAT Law Firm nhìn nhận, trên địa bàn TP.Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn, trong đó các vụ cháy nhà ở riêng lẻ nhưng bị chủ nhà cải tạo thay đổi công năng thành chung cư mini để lại những thiệt hại rất lớn về người và của.

Cũng theo luật sư, các vụ hỏa hoạn đều được các cơ quan báo chí đưa tin rộng rãi, trong đó có các bài viết phản ánh ý kiến của những người có chuyên môn chỉ ra và phân tích nguyên nhân gây ra hỏa hoạn. Sau những vụ việc như vậy, các cơ quan chức năng trên địa bàn đều đẩy mạnh hoạt động rà soát công tác phòng cháy chữa cháy vậy nhưng vẫn tiếp tục có những vụ việc đau lòng tái diễn.

“Vì vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh ý thức về phòng cháy chữa cháy của các chủ nhà trọ, chung cư mi ni, nhà cho thuê chưa được cao thì thời gian dài trước đây, chúng ta cũng đã có sự buông lỏng quản lý trong công tác phòng cháy chữa cháy, cấp phép cho công trình cho thuê ở. Những thiếu sót vi phạm này rất cần được khắc phục một cách triệt để nhằm đảm bảo không tái diễn những vụ hỏa hoạn thương tâm trong thời gian vừa qua” – ông Cường nhấn mạnh.

Sau vụ cháy ở Trung Kính, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Sỹ Thanh yêu cầu các quận, huyện lập tổ công tác rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15/6.

Trước đó, sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ làm 56 người chết (12/9/2023), Hà Nội cũng đã tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn thành phố.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông, đặt vấn đề, khi thực hiện tổng kiểm tra, rà soát và phát hiện ra các vấn đề tại các công trình như vậy, Hà Nội đã thực hiện các biện pháp ra sao khi hỏa hoạn tiếp tục xảy ra, gây hậu quả thương tâm khiến 14 người thiệt mạng?

Bên cạnh đó, theo ông Toại, câu chuyện về trách nhiệm quản lý của các đơn vị, cán bộ địa bàn, cấp chính quyền,... cần nêu rõ và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thẳng thắn nhìn nhận, cần kiểm tra, rà soát các chung cư mini, nhà trọ để yêu cầu tuân thủ các quy định về kinh doanh, PCCC, phải có lối thoát nạn đảm bảo...

“Việc kiểm tra, rà soát phải thực hiện một cách thường xuyên. Đối với những công trình không đảm bảo các điều kiện theo quy định, cho thời hạn cụ thể; nếu không khắc phục được thì kiên quyết cấm kinh doanh. Cần có các biện pháp nghiêm khắc buộc phải chấp hành, không để xảy ra những tai nạn thương tâm và thảm khốc như thời gian qua”, ông Châu nhấn mạnh.

Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2023, các đơn vị đã kiểm tra hơn 69.400 công trình, trong đó có gần 30.300 cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ; 385 nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (còn được gọi là chung cư mini), hơn 36.100 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.

Trong khi đó, HoREA dẫn số liệu cho hay, tại TP.HCM cũng có khoảng 60.470 cá nhân, hộ gia đình đã đầu tư xây dựng các khu nhà trọ, với nhiều phòng trọ cho thuê hoặc nhà ngăn phòng cho thuê, với tổng số khoảng 560.200 phòng trọ.

Trong đó bao gồm 38.800 khu nhà trọ (tập trung) với hơn 357.200 phòng và 25.670 nhà (căn hộ) ngăn phòng cho thuê với gần 203.000 phòng, góp phần giải quyết nhu cầu thuê phòng trọ cho hơn 1,4 triệu công nhân, lao động, người nhập cư và có cả những người là trí thức, chuyên viên.

Hồng Khanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tu-vu-chay-14-nguoi-chet-hang-van-chu-nha-tro-lam-gi-de-cho-thue-dung-quy-dinh-2285504.html