Sau vụ cháy Rạng Đông, amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng có thực sự an toàn?
'Amalgam thực chất là một hỗn hợp của thủy ngân và kim loại khác. Người ta dùng nó thay thế thủy ngân lỏng với mục đích để khó bay hơi khi bóng đèn bị vỡ', GS. TSKH. Trần Sung cho biết.
Vụ cháy kho công ty Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) không chỉ thiệt hại về kinh tế mà để lại nỗi lo ngại cho người dân về vấn đề sức khỏe, môi trường.
Đặc biệt nhiều thông tin cho rằng, không khí quanh khu vực cháy có thể bị ô nhiễm thủy ngân, gây độc hại cho người dân.
Chiều 30/8, Công ty Rạng Đông cho biết: Các vật tư, nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn gồm: Bầu đèn CFL là bằng nhựa PC- đạt chứng chỉ UL, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con người kể cả khi cháy.
Vỏ bóng đèn các loại làm bằng thủy tinh không chì (không có các hàm lượng kim loại nặng), đầu đèn làm bằng nhôm với công nghệ hàn dập không sử dụng thiếc hàn, dây tóc bằng wofram nên các khí thải không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Đặc biệt, công ty này cũng thông tin rằng, “đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016”.
Vậy amalgam có an toàn hơn thủy ngân sau vụ cháy vừa qua?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV VietNamNet, GS. TSKH. Trần Sung, Nguyên Viện trưởng viện hóa học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết: ‘Amalgam thực chất là một hỗn hợp của thủy ngân và kim loại khác.
Về nguyên tắc và lý thuyết, nó khó bay hơi hơn, giảm độc hại hơn so với thủy ngân. Tuy nhiên khi ở nhiệt độ cao (bị đốt cháy) và lâu dài chưa xác định được độ độc hại như thế nào.
Thực tế họ dùng amalgam thay thế nhưng sau khi cháy, chúng ta phải lấy mẫu để xét nghiệm, không thể kết luận amalgam không độc hại được’.
GS. TSKH này cũng khẳng định: "Ở nhiệt độ thường, amalgam còn được gọi là hỗn hống thủy ngân, không xảy ra phản ứng hóa học, an toàn nhưng đến nhiệt độ cao và dài việc khẳng định amalgam không độc hại là chưa chính xác".
‘Trong công nghiệp, người ta dùng amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng bởi nó thường là thể rắn, do đó khó phát tán, khó bay hơi và dễ thu hồi hơn dạng thủy ngân nguyên chất ở thể lỏng’, ông Trần Sung cho biết thêm.