Sau vụ lợn chết, lợn bệnh đưa vào tiêu thụ tại Hà Nội: Chợ Phùng Khoang đìu hiu

Đường dây thu mua, giết mổ và tiêu thụ lợn nhiễm dịch tả châu Phi, lợn chết ra nhiều chợ, nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội vừa bị Công an TP Hà Nội triệt phá khiến người tiêu dùng phẫn nộ. Trở lại chợ Phùng Khoang 2 (phường Đại Mỗ, Hà Nội) nơi có 2 chủ quầy thịt lợn bị tạm giữ hình sự vì bán lợn bệnh, lợn chết cho người tiêu dùng, khu chợ vốn sôi động phục vụ cho hơn 20 nghìn dân quanh khu vực đìu hiu hơn do ảnh hưởng của vụ việc.

Lượng tiêu thụ thịt lợn, thịt gia cầm sụt giảm

Có mặt ở chợ Phùng Khoang vài ngày sau khi Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội khởi tố 3 vụ án vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó có vụ 4 kiot ở chợ Phùng Khoang bị thu giữ gần 1 tấn thịt lợn không có giấy tờ kiểm dịch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, 2 chủ cửa hàng là Dư Đình Hợi, Nguyễn Viết Chiếm bị tạm giữ hình sự, theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, lượng khách đến chợ mua thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn giảm hẳn. Dù đã đến trưa, nhưng các phản thịt lợn vẫn còn nhiều.

Một tiểu thương bán thịt lợn lâu năm ở đây phàn nàn: “Từ hôm xảy ra vụ việc, khách mua thịt lợn rất dè dặt, nhiều người hỏi vụ việc, ai cũng nghĩ là chợ Phùng Khoang bán thịt lợn chết, lợn bệnh, nhiều người còn né tránh không mua, nhưng thực chất không phải, người bán thịt lợn chết là ở chợ tạm, chứ không phải trong chợ Phùng Khoang”.

Theo nhiều tiểu thương, sau khi Công an Hà Nội triệt phá đường dây giết mổ và tiêu thụ thịt lợn nhiễm dịch bệnh, cùng với gần 1 tấn thịt không rõ nguồn gốc được thu giữ ngay tại 4 kiot sát chợ Phùng Khoang, lượng thịt tiêu thụ tại chợ giảm gần một nửa do người tiêu dùng e dè và lo ngại. Có quầy trước đây 1 ngày bán 2 con lợn thì nay chỉ còn 1 con. Không chỉ thịt lợn, thịt gia cầm, thịt bò, thịt bê cũng bị ảnh hưởng theo.

Một chủ hàng thịt gà lâu năm cho biết: “Hai ông chủ bán thịt lợn bị bắt không phải kinh doanh ở chợ Phùng Khoang mà họ bán ở chợ tạm ngoài kia, nhưng người dân không biết cứ nghĩ chợ Phùng Khoang bán thịt lợn chết nên lo sợ không dám đến mua, khiến chúng tôi cũng bị ảnh hưởng không ít”. Tiểu thương bán thịt gà ở quầy kế bên cũng chia sẻ: “Ế lắm, chúng tôi không dám nhập nhiều vì người dân lo ngại không mua”.

Phùng Khoang là chợ dân sinh phục vụ cho khoảng 20 nghìn dân sinh sống quanh khu vực. Có 2 chợ Phùng Khoang 1 và Phùng Khoang 2 nằm tiếp giáp nhau nên người dân vẫn thường gọi chung là chợ Phùng Khoang. Chợ Phùng Khoang 2 kinh doanh ngành hàng lương thực, thực phẩm, hiện đang cải tạo, sửa chữa nên còn bề bộn, nước bẩn ứ đọng ở một số khu vực.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Trần Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT HTX Thống Nhất - đơn vị quản lý 2 chợ Phùng Khoang khẳng định, vị trí buôn bán của 4 chủ hàng thịt lợn vừa bị Công an TP Hà Nội kiểm tra (trong đó có 2 người bị tạm giữ hình sự nằm ngoài chợ Phùng Khoang. Đó là chợ tự phát nằm bên cạnh chợ Phùng Khoang và không thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý chợ Phùng Khoang.

“Chúng tôi không có quyền quản lý khu vực đó, nếu giao quản lý chúng tôi đã không cho tụ tập. Trên phương tiện thông tin đại chúng nói 2 chủ kiot bán lợn bệnh, lợn chết ở chợ Phùng Khoang đã ảnh hưởng đến việc buôn bán của các tiểu thương. Ai đi chợ cũng hỏi thịt này có làm sao không. Chúng tôi còn nhận được thông tin “mẹ đi chợ mua thịt về cho con ăn, con hỏi thịt mua ở đâu?”.

Chuyện này rất ảnh hưởng đến chợ Phùng Quang. Chợ Phùng Khoang không có kiot mà chỉ có bàn thịt lợn. Sáng nay tôi nghe tiểu thương trao đổi, sự việc đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán, lượng tiêu thụ sụt giảm đáng kể. Chúng tôi mong các cơ quan báo đài thông tin để người dân hiểu, giúp cho chợ không mang tiếng”, ông Cường nêu.

Lượng tiêu thụ thịt lợn tại chợ Phùng Khoang 2 sụt giảm sau vụ lợn chết được phát hiện.

Lượng tiêu thụ thịt lợn tại chợ Phùng Khoang 2 sụt giảm sau vụ lợn chết được phát hiện.

Tăng cường kiểm soát, không để buông lỏng vi phạm

Theo ông Bạch Đình Nam, Phó Ban quản lý chợ Phùng Khoang 2, cả chợ có 250 hộ kinh doanh, trong đó có 40 hộ kinh doanh thịt lợn. Từ đầu năm chợ đã ký cam kết với các hộ kinh doanh bán hàng phải có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo ATTP. “Chúng tôi rất quan tâm và chú trọng đến ATTP nên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, ký với các hộ kinh doanh. Qua các cuộc kiểm tra cũng chưa phát hiện vi phạm ATTP tại chợ”, ông Nam cho biết.

Tuy là chợ lớn, song việc kiểm dịch động vật theo Ban Quản lý chợ, cơ quan thú y không phải ngày nào cũng đến kiểm dịch, mà chủ yếu do cán bộ nhân viên của Ban Quản lý chợ kiểm tra cảm quan bằng mắt thường, khi có dấu hiệu bất thường như khác màu, hoặc có màu lạ thì báo cho cơ quan y tế và thú y phường về kiểm tra.

Nhiều tiểu thương cũng như HXT Thống Nhất cho biết, chính quyền địa phương phải dẹp chợ tạm này từ lâu, nhưng không hiểu vì sao vẫn để tồn tại? Còn dư luận thì đặt câu hỏi công tác kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, kiểm dịch thú y có phải bị buông lỏng, dẫn đến các đối tượng đưa lợn bệnh, lợn chết vào bán cho người tiêu dùng từ lâu nhưng không bị phát hiện?

Theo Cơ quan điều tra, lực lượng chức năng xác định, từ đầu năm 2025 đến nay, Dư Đình Hợi mua lợn chết của các đối tượng tại khu vực huyện Ứng Hòa, huyện Mỹ Đức (cũ), Hà Nội hoặc tỉnh Hòa Bình (cũ) – nay là tỉnh Phú Thọ với giá khoảng 20.000 đồng/kg rồi mang về tập kết tại nhà riêng ở xã Hòa Xá, Hà Nội. Sau đó, Hợi mổ phanh lợn rồi dùng xe tải vận chuyển ra chợ Phùng Khoang để tiêu thụ. Để tránh người tiêu dùng phát hiện lợn chết, đối tượng sử dụng tiết lợn để tẩm lên các miếng thịt với mục đích làm tươi và để lẫn với thịt lợn tươi sống khác trên bàn thịt.

Tương tự như thủ đoạn của Hợi, Nguyễn Viết Chiếm cũng thu mua lợn chết với giá khoảng 20 nghìn đồng/kg rồi mang về tập kết tại nhà riêng, sau đó vận chuyển ra chợ Phùng Khoang để sơ chế và bán cho khách hàng, trong đó có khách hàng bán lại cho các cửa hàng, quán ăn để kiểm lời. Trung bình một ngày, Chiếm bán từ 5-7 con lợn với khối lượng 1 tấn.

Ngày 1/7, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về vệ sinh ATTP tại chợ Phùng Khoang và đã phát hiện tại nơi bán thịt của 2 đối tượng trên có hàng trăm kilogam thịt lợn biến đổi màu sắc và bốc mùi, trong đó thịt của Chiếm có dấu hiệu nhiễm dịch lợn tả châu Phi.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hành vi của các đối tượng rất táng tận lương tâm, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Các đối tượng biết rõ bản thân mình không đủ điều kiện để giết mổ, cung cấp thực phẩm thịt lợn ra thị trường, sản phẩm không đủ điều kiện vệ sinh ATTP nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, điều đáng lên án hơn là các đối tượng mổ cả lợn bệnh để bán ra thị trường, vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Việc cơ quan điều tra khởi tố xử lý các đối tượng này là cần thiết để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội cũng là để răn đe, giáo dục đối với người phạm tội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND phường đã tổ chức họp gấp, mời đầy đủ các ban, ngành và triển khai ngay các biện pháp nhằm siết chặt công tác quản lý ATTP trên địa bàn. Phường đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại chợ Phùng Khoang 1 và Phùng Khoang 2 từ ngày 12 đến 15/7. Nội dung kiểm tra về hồ sơ pháp lý, các điều kiện đảm bảo về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại 2 chợ nói trên và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/sau-vu-lon-chet-lon-benh-dua-vao-tieu-thu-tai-ha-noi-cho-phung-khoang-diu-hiu-i774656/