Sau vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai, nguyên tắc an toàn là gì?
Theo chuyên gia, lò hơi là sản phẩm đặc thù cần tuân thủ rất nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt từ thiết kế đến vật liệu, vận hành... Sự cố chỉ xảy ra khi các nguyên tắc an toàn bị bỏ qua.
Vật liệu lò hơi phải theo tiêu chuẩn đặc biệt
Khoảng 8h10 sáng 1/5/2024, một tiếng nổ lớn phát ra tại Công ty gỗ Bình Minh (ấp Vàm, xã Thiện Tân, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) khiến 6 người tử vong tại chỗ và 7 người bị thương. Theo lãnh đạo địa phương, nguyên nhân là do nổ lò hơi. Khu vực công ty xảy ra vụ nổ nằm gần khu dân cư. Nhiều lao động làm việc ở đây chủ yếu là người dân các tỉnh miền Tây.
Quy trình vận hành lò hơi cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn như thế nào? Theo ông Lê Đức Anh, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, quá trình lắp đặt, sửa chữa, sử dụng lò hơi cần đảm bảo theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12728:2019 về Nồi hơi- Yêu cầu kỹ thuật về thiết kế, chế tạo, lắp đặt, sử dụng và sửa chữa do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Yêu cầu chung về vật liệu, Tiêu chuẩn hướng dẫn vật liệu được sử dụng để chế tạo các bộ phận chịu áp lực của nồi hơi phải tuân theo thông số hoặc yêu cầu kỹ thuật thích hợp. Vật liệu hàn phải tuân theo TCVN 3223 hoặc các tiêu chuẩn quốc tế tương đương khác. Không được phép sử dụng gang đúc và hợp kim đồng không chứa sắt để chế tạo các bộ phận chịu áp lực, trừ các van và phụ tùng đường ống trong phạm vi giới hạn.
Công thức tính toán các bộ phận chịu áp lực áp dụng cho nồi hơi được thiết kế, chế tạo tuân thủ yêu cầu của Tiêu chuẩn này, đồng thời được vận hành dưới sự giám sát thích hợp theo thông số thiết kế. Các nồi hơi được thiết kế theo Tiêu chuẩn này cần được vận hành trong điều kiện không có tạp chất lắng bên trong. Yêu cầu này đòi hỏi nước cấp và nước nồi hơi phải có chất lượng phù hợp.
Mỗi bộ phận nồi hơi phải được thiết kế để đáp ứng điều kiện khắc nghiệt nhất về áp suất và nhiệt độ kim loại dự kiến khi hoạt động bình thường, không bao gồm áp suất vượt quá xảy ra trong quá trình thử thủy lực hoặc trong quá trình vận hành các thiết bị xả áp. Điều kiện khắc nghiệt nhất về thông số áp suất và nhiệt độ phải được sử dụng để tính toán chiều dày lớn nhất của bộ phận được khảo sát.
Chuyên gia cho biết, yêu cầu chung về tính linh hoạt của hệ thống đường ống phải tuân theo các yêu cầu của TCVN 6158 và yêu cầu ứng suất thiết kế của vật liệu ở nhiệt độ tính toán phải theo quy định tại Tiêu chuẩn này.
Yêu cầu chung về các cửa tiếp cận của nồi hơi ống nước và nồi hơi ống lò ống lửa phải được trang bị đủ cửa người chui, lỗ thò tay hoặc các cửa kiểm tra khác để cho phép kiểm tra và làm sạch bên trong nồi hơi một cách hiệu quả. Các phụ kiện và bộ phận bên trong và bên ngoài phải được bố trí sao cho có thể tiếp cận vào bên trong qua các cửa kiểm tra. Các chi tiết bên trong bao hơi, bao nước phải có khả năng tháo lắp phù hợp hoặc phải có cửa kiểm tra thích hợp để cho phép kiểm tra đầy đủ các mặt bề mặt bên trong bao hơi, bao nước và có thể dễ dàng làm sạch.
Các vành cửa bao hơi, bao nước cần được ưu tiên chế tạo bằng vật liệu có cấp bền và phạm vi độ bền kéo tương đương với vật liệu sử dụng làm bao hơi, bao nước. Các vành cửa kiểu mặt bích phải là hình tròn hoặc hình elip không có mối hàn và phải gia công để tạo bề mặt ép gioăng cho cửa. Tất cả các vành cửa kiểu mặt bích phải được lắp gần nhất có thể với các bề mặt mà vành cửa kết nối. Vành cửa kiểu mặt bích của bao hơi, bao nước phải được hàn bằng mối hàn góc với bề mặt trong của bao hơi, bao nước.
Tường buồng đốt phải thiết kế để chịu được áp lực dương hoặc áp lực âm lớn nhất trong quá trình vận hành và khi cần thiết phải gia cố bởi các dầm đỡ vách được tính toán phù hợp với Tiêu chuẩn về kết cấu thép. Nếu tất cả các khâu tuân thủ tiêu chuẩn thiết kế này thì sẽ không có vụ tai nạn thương tâm xảy ra hôm 1/5 khiến 6 người tử vong.
Tuân thủ an toàn lao động còn thấp
Theo GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), hiện nay các văn bản pháp luật về công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động đã có đầy đủ và quy định rất chặt chẽ, nhằm bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, thực tiễn trong hoạt động sản xuất tại các công ty, nhà máy vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập.
GS.TS Trình cho rằng, nếu cơ quan chức năng kiểm tra thủ tục, điều kiện bảo đảm vệ sinh, ATLĐ tại các công ty thì tương đối đầy đủ, đáp ứng theo yêu cầu. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận có những nơi chỉ là "bề nổi", hình thức, còn việc thực hiện như thế nào lại là vấn đề khác.
GS Trình ví dụ, vụ tai nạn tại Công ty Than Thống Nhất - TKV, ngoài những yếu tố có thể gây tai nạn thông thường còn phụ thuộc biến động địa chất, trong lò sinh ra các khí cháy nổ. Có thể thiết bị đo không chính xác, yêu cầu cần phải điều chỉnh sau một thời gian dài, tuy nhiên có thể do quy trình chưa đầy đủ nên dẫn đến sự cố gây hậu quả. Hay vụ ở Nhà máy Xi măng Yên Bái, đó là vấn đề lỏng lẻo trong quản lý an toàn vệ sinh, lao động.
Theo GS.TS Lê Vân Trình, pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, thậm chí chính quyền địa phương khi để xảy ra sự cố tai nạn vệ sinh, an toàn lao động. Do đó, người đứng đầu cần phải thường xuyên đánh giá rủi ro, chỗ nào có nguy cơ tai nạn phải khắc phục ngay.
Ở thời điểm kiểm tra, các thiết bị máy móc có thể được đánh giá tốt nhưng một thời gian sau lại không tốt nữa vì mọi thứ đều có giới hạn mỏi hoặc do một số trục trặc nào đấy dẫn đến nguy cơ tai nạn nên cần phải đánh giá định kỳ và đề xuất giải pháp.
Ngoài ra, cần phải nâng cao nhận thức của người lao động trong quá trình sản xuất nhằm bảo đảm an toàn. Mặc dù hiện nay các doanh nghiệp, công ty đều đưa con người lao động đi huấn luyện vệ sinh lao động đầy đủ nhưng chất lượng huấn luyện lại là một vấn đề, một dấu hỏi được đặt ra.
Đặc biệt, quy trình làm việc, bảo trì, bảo dưỡng máy phải đặc biệt nêu rõ hạng mục công việc, từng bước thực hiện, việc cách ly, cô lập khu vực thực hiện, năng lực, chuyên môn, sức khỏe, kỹ năng, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của người thực hiện; đồng thời cần bố trí người kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
Ngoài ra, các hệ thống biển báo, thông tin, chỉ dẫn, cảnh báo về các yếu tố nguy hiểm, độc hại cần được bố trí đặt ngay tại máy, thiết bị, khu vực làm việc để người lao động dễ thấy, dễ nhìn, dễ đọc và tuân thủ… Người lao động làm việc trực tiếp cần được trang bị về quy trình, phương án làm việc an toàn cụ thể; phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống, sự cố khẩn cấp.