Sau vụ thiết quân luật, điều gì xảy ra tiếp theo ở Hàn Quốc?
Mặc dù Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã dỡ bỏ thiết quân luật chỉ sau 6 tiếng ban bố, nhưng câu chuyện không dừng ở đó.
Phiên bản thiết quân luật ngắn ngủi nhưng căng thẳng mà Hàn Quốc vừa trải nghiệm lần đầu tiên sau 40 năm đã khiến bối cảnh chính trị của đất nước rơi vào bất ổn.
Mặc dù Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã dỡ bỏ thiết quân luật chỉ sau 6 tiếng ban bố, nhưng câu chuyện không dừng ở đó.
Các nhà lập pháp từ 6 đảng đối lập ngay sáng thứ Tư (ngày 4/12) đã đệ trình một dự luật lên Quốc hội để luận tội Tổng thống. Một phiên họp toàn thể để chính thức giới thiệu dự luật đã được lên lịch bắt đầu vào cuối ngày (giờ địa phương).
Cuộc bỏ phiếu về dự luật được ấn định vào thứ Sáu hoặc thứ Bảy (ngày 6-7/12), tức trong vòng 72 giờ kể từ khi dự luật luận tội được giới thiệu.
Seoul có vẻ khá bình thường trong ngày thứ Tư, với lưu lượng giao thông giờ cao điểm thường thấy trên tàu hỏa và trên đường phố.
Nhưng công đoàn lao động của Hyundai Motor đã công bố kế hoạch đình công vào thứ Năm và thứ Sáu và một số công ty lớn, bao gồm Naver Corp và LG Electronics Inc đã khuyên nhân viên làm việc tại nhà.
Vào tối thứ Tư, các nhóm công dân và người lao động đã tổ chức một buổi thắp nến tại trung tâm thành phố Seoul, kêu gọi ông Yoon từ chức.
Lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền của ông Yoon đã kêu gọi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun và toàn bộ Nội các từ chức. Theo thông tin cập nhật từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, ông Kim đã tuyên bố từ chức.
Nhưng tình hình có thể còn tồi tệ hơn thế đối với ông Yoon và bất kỳ ai khác tham gia vào quyết định ban hành sắc lệnh thiết quân luật.
Ông Park Chan-dae, lãnh đạo Đảng Dân chủ (CD), lực lượng đối lập chính ở Hàn Quốc, cho biết, "kể cả khi thiết quân luật được dỡ bỏ, ông ấy cũng không thể tránh khỏi cáo buộc phản quốc".
Ông Yoon sau đó sẽ phải ra hầu tòa tại Tòa Hiến pháp, nơi có thể định đoạt số phận của ông bằng một cuộc bỏ phiếu của các thẩm phán.
Nếu ông Yoon chọn từ chức hoặc bị phế truất, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ đóng vai trò là nhà lãnh đạo lâm thời cho đến khi một cuộc bầu cử diễn ra để chọn Tổng thống mới cho đất nước. Cuộc bầu cử này sẽ phải được tổ chức trong vòng 60 ngày.
"Hàn Quốc đã tránh được một viên đạn, nhưng Tổng thống Yoon có thể đã tự bắn vào chân mình", ông Danny Russel, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asia Society có trụ sở tại Mỹ, cho biết khi nói về tuyên bố thiết quân luật đầu tiên tại Hàn Quốc kể từ năm 1980.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông hoan nghênh quyết định hủy bỏ tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon.
"Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng các bất đồng chính trị sẽ được giải quyết một cách hòa bình và theo đúng pháp luật", ông Blinken cho biết trong một tuyên bố.
Hàn Quốc là nơi đồn trú của khoảng 28.500 quân nhân Mỹ. Các cuộc đàm phán quốc phòng đã lên kế hoạch và một cuộc tập trận quân sự chung giữa Washington và Seoul đã bị hoãn lại trong bối cảnh hậu quả ngoại giao rộng lớn hơn từ vụ việc.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên rằng tình hình chính trị của Hàn Quốc là "vấn đề nội bộ" của nước này.
Nga và Vương quốc Anh cho biết họ đang theo dõi các sự kiện ở Hàn Quốc. Chưa có phản ứng nào từ phía Triều Tiên về vụ việc.
Phái đoàn Thụy Điển do Thủ tướng Ulf Kristersson dẫn đầu dự kiến đến sẽ thủ đô Seoul vào ngày 5/12 nhưng chuyến thăm đã bị hoãn lại.
Minh Đức (Theo The Spectator, Reuters)