Sau xác thực khuôn mặt, sẽ có nhiều giải pháp nâng cao hơn trong bảo mật thanh toán

Sau những ngày đầu triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN (Quyết định 2345) về xác thực sinh trắc, hoạt động thanh toán đã đi vào ổn định và trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết cũng sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để nâng cao hơn nữa các lớp bảo vệ trong thanh toán, đồng thời khuyến khích người dân tự nâng cao ý thức và kiến thức khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Quá trình tăng cường các biện pháp bảo vệ vẫn sẽ được các ngân hàng hỗ trợ khách hàng liên tục. Ảnh tư liệu

Quá trình tăng cường các biện pháp bảo vệ vẫn sẽ được các ngân hàng hỗ trợ khách hàng liên tục. Ảnh tư liệu

Hệ thống đã đi vào ổn định

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sau một số ngày đầu triển khai Quyết định 2345, hệ thống đã vận hành ổn định thông suốt. Số liệu cho thấy chỉ trong 3 ngày đầu tiên triển khai đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an. Số lượng tài khoản trên theo đó bằng với tổng số lượng tài khoản mở trong một năm hoạt động hiệu quả nhất của ngành Ngân hàng.

Ý thức và kiến thức người dân có vai trò quan trọng trong an toàn thanh toán

Ngoài các giải pháp về pháp lý và công nghệ, tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” vừa tổ chức mới đây, hầu hết các chuyên gia tài chính, chuyên gia công nghệ và đại diện cơ quan quản lý đề cao vai trò của truyền thông về ý thức của người sử dụng.

Ngoài ra, trong ngày đầu tiên triển khai hệ thống, số lượng giao dịch tại các ngân hàng cũng tăng mạnh từ khoảng 10 - 20 lần so với ngày bình thường. Với quy mô các tài khoản cần kiểm tra đối chiếu và lượng giao dịch tăng mạnh như trên, hệ thống thanh toán trong ngày đầu có lúc gặp tình trạng tắc nghẽn giao dịch tại một số ngân hàng.

Theo đó, để đảm bảo yếu tố giao dịch thông suốt cho người dân, một số ngân hàng đã tạm thời tạm cắt bỏ tính xác thực thực thể sống, theo đó, có trường hợp người dân dùng ảnh chụp tĩnh để xác thực chuyển tiền vẫn thực hiện được. Về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN cho biết, ngay cả một số trường hợp có ngân hàng tạm tắt tính năng xác thực động thì bản chất khi chuyển tiền vẫn tăng thêm lớp xác thực nhiều hơn so với trước kia chứ không giảm bớt đi. Sau một số thời gian cao điểm ban đầu, đến nay các ngân hàng đều đã bật lại tính năng xác thực thực thể sống trở lại và theo đó, hiện không thể chuyển tiền bằng ảnh tĩnh được nữa.

Việc thực hiện các nội dung của Quyết định số 2345 thu hút sự quan tâm của người dân bởi liên quan trực tiếp đến các hoạt động giao dịch thanh toán qua ngân hàng. Một trong những nội dung đáng chú ý tại Quyết định 2345 là các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học. NHNN cho biết, việc triển khai quyết định này góp phần bảo đảm các giao dịch thanh toán trực tuyến chỉ được thực hiện bởi chính chủ tài khoản, qua đó sẽ nâng cao an ninh, an toàn, bảo mật cho các giao dịch thanh toán trực tuyến, giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo trong giao dịch thanh toán trực tuyến, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Sẽ tiếp tục “nâng cấp” các giải pháp phòng vệ

NHNN cho biết, đến nay hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm.

Cùng với nhu cầu thanh toán trực tuyến ngày càng tăng thì tội phạm công nghệ cũng phát triển không ngừng và theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an, tội phạm công nghệ thậm chí đã trở thành một “nghề” và “nghiệp vụ” của họ ngày càng tinh vi hơn. Chúng cũng tổ chức đào tạo “nghiệp vụ” rất bài bản từ xây dựng kịch bản đến việc luyện tập các giải pháp ứng phó tình huống. “Ví dụ như trước đây, những đối tượng tự xưng công an có thể nói thuật ngữ chuyên môn còn sai, thì giờ đây chúng rất thuộc thuật ngữ để trả lời giao tiếp như công an thật” - ông Tùng nói.

Theo đó với tính chất khốc liệt trong cuộc chiến đảm bảo sự an toàn trên không gian thanh toán, sau khi việc triển khai Quyết định 2345, Bộ Công an và NHNN sẽ vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp tiếp theo.

Về mặt pháp lý, mới đây NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thay thế Thông tư 23/2014/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung). NHNN cho biết, việc ban hành Thông tư nhằm hướng dẫn việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán trên cơ sở quy định tại Nghị định số 52/2024/NĐ-CP và phù hợp hơn với các văn bản pháp lý hiện hành, đồng thời chỉnh sửa một số quy định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Thông tư có bổ sung quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật trong mở, sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó quy định trách nhiệm của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng quy trình quản lý kiểm soát rủi ro trong quá trình mở, sử dụng tài khoản thanh toán…

Ông Lê Hoàng Chính Quang - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin thuộc NHNN cho biết, NHNN cũng sẽ triển khai hệ thống giám sát các tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận (SIMO). Hệ thống SIMO cho phép các tổ chức thành viên thực hiện báo cáo thông tin về các tài khoản đáng ngờ khi phát hiện và chia sẻ thông tin tới các thành viên khác.

ÔNG LÊ HOÀNG CHÍNH QUANG - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN (NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC): Các giải pháp phòng vệ tiếp tục được triển khai

Quá trình triển khai Quyết định 2345 cho thấy, sau 3 ngày đầu đã có 24 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu cho C06 Bộ Công an để làm sạch offline; 40 tổ chức tín dụng và 2 tổ chức trung gian thanh toán đã cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến có xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua ứng dụng điện thoại.

Quá trình tăng cường các biện pháp bảo vệ vẫn sẽ được thực hiện liên tục, tập trung vào giám sát, phòng, chống giao dịch bất thường, gian lận; phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn sử dụng ứng dụng mobile banking đối với các thiết bị bị phá khóa (jailbreak) hoặc thiết bị đã kích hoạt quyền trợ năng. Các ngân hàng cũng cung cấp các kênh dịch vụ hỗ trợ khách hàng liên tục (contact center 24/7) với nhân viên được đào tạo, am hiểu về quy trình xử lý vụ việc lừa đảo.

ÔNG LƯU DANH ĐỨC - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC KIÊM GIÁM ĐỐC KHỐI CÔNG NGHỆ (NGÂN HÀNG SHB): Nâng cao kiến thức và nhận thức người dùng

SHB đã có các giải pháp để đối phó với deepfake, trong đó, hệ thống công nghệ của ngân hàng sử dụng AI, Machine learning để phát hiện các sản phẩm deepfake, với số lượng lớn và tự động.

Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ thực hiện các giải pháp phòng vệ ngay trên mobile app. Qua đó, hệ thống có thể nhận diện thiết bị di động của người sử dụng, Phát hiện những hoạt động bất thường, Hiểu được các hoạt động của người sử dụng… Từ các yếu tố trên, hệ thống có thể cảnh báo ngăn chặn những hành vi gian lận có thể xảy ra.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải đặt mối quan tâm về nhận thức của con người, vì vậy chúng tôi cũng luôn khuyến cáo, hướng dẫn khách hàng cách thức sử dụng và tự phòng vệ với cách thức đơn giản, gần gũi, dễ hiểu thông qua các kênh truyền thông đa kênh, định kỳ và được đánh giá cải tiến liên tục./.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sau-xac-thuc-khuon-mat-se-co-nhieu-giai-phap-nang-cao-hon-trong-bao-mat-thanh-toan-154471-154471.html