Saudi Arabia hướng tới tương lai ngoài dầu mỏ

Mặc dù sản xuất dầu mỏ giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng Saudi Arabia vẫn đang đẩy mạnh đầu tư để phát triển năng lượng tái tạo.

Một trang trại năng lượng mặt trời ở Uyayna, phía Bắc Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. Nguồn: Reuters.

Một trang trại năng lượng mặt trời ở Uyayna, phía Bắc Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. Nguồn: Reuters.

Cách Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia 2 giờ lái xe, các dãy pin mặt trời trải dài đến tận chân trời như những đợt sóng trên đại dương. Mặc dù có trữ lượng dầu gần như vô hạn, nhưng vương quốc này đang sử dụng năng lượng mặt trời và gió, một phần trong nỗ lực giữ vị trí dẫn đầu trong ngành năng lượng, ngành cực kỳ quan trọng đối với đất nước nhưng đang thay đổi nhanh chóng.

Nhìn ra hơn 3,3 triệu tấm pin, bao phủ 14 dặm vuông trên sa mạc, ông Faisal Al Omari - Giám đốc điều hành của một dự án năng lượng mặt trời mới hoàn thành có tên Sudair cho biết, ông sẽ nói với con cháu về việc mình đã góp phần thế nào vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Saudi Arabia.

Mặc dù sản xuất dầu mỏ vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Saudi Arabia, nhưng vương quốc này đang đầu tư vào các dạng năng lượng khác. Sudair là dự án đầu tiên trong số nhiều dự án khổng lồ nhằm nâng sản lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời và gió lên khoảng 50% vào năm 2030. Hiện tại, năng lượng tái tạo vẫn chỉ chiếm một lượng điện không đáng kể ở Saudi Arabia.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Saudi Arabia sẽ khó đạt được mục tiêu đầy tham vọng này. Ông Karim Elgendy - nhà phân tích khí hậu tại Viện Trung Đông, một tổ chức nghiên cứu ở Washington cho biết: “Nếu họ đạt được 30%, tôi sẽ rất vui vì đó là một tín hiệu tốt”.

Trên thực tế, Saudi Arabia đang có kế hoạch xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời với tốc độ nhanh chóng. Ông Marco Arcelli - Giám đốc điều hành của Acwa Power, nhà phát triển dự án Sudair’s Saudi và là lực lượng đang phát triển trong ngành điện và nước quốc tế cho rằng: “Khối lượng hạ tầng năng lượng tái tạo như Saudi Arabia đang có sẽ không dễ thấy ở bất kỳ nơi nào khác ngoài Trung Quốc”.

Saudi Arabia không chỉ có tiền để mở rộng nhanh chóng mà còn thoát khỏi các quy trình cấp phép dài hạn vốn cản trở những dự án như vậy ở phương Tây. Ông Ben Cahill - thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, một tổ chức nghiên cứu ở Washington cho biết: “Họ có nhiều vốn đầu tư và có thể di chuyển nhanh chóng cũng như thúc đẩy phát triển dự án”.

Ngay cả Saudi Aramco - viên ngọc quý của nền kinh tế Saudi Arabia và là nhà sản xuất gần như toàn bộ lượng dầu mỏ của nước này cũng nhận thấy bối cảnh năng lượng đang thay đổi. Để có được chỗ đứng trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, Aramco đã nắm giữ 30% cổ phần của Sudair (trị giá 920 triệu USD), bước đầu tiên trong danh mục đầu tư năng lượng mặt trời 40 gigawatt theo kế hoạch nhằm đáp ứng phần lớn tham vọng của chính phủ đối với năng lượng tái tạo.

Công ty có kế hoạch thành lập một doanh nghiệp lớn lưu trữ khí nhà kính dưới lòng đất. Họ cũng đang tài trợ cho những nỗ lực tạo ra nhiên liệu điện tử cho ô tô từ carbon dioxide và hydro, đặc biệt là tại một nhà máy lọc dầu ở Bilbao, Tây Ban Nha, thuộc sở hữu của Repsol, công ty năng lượng Tây Ban Nha.

Áp lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng có thể tiếp tục gia tăng ở Saudi Arabia cùng các nơi khác ở Trung Đông và Bắc Phi, một khu vực có dân số trẻ, có nhận thức về môi trường và có thể đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.

Ông Shady Khalil - nhà vận động chính của nhóm môi trường Greenpeace Trung Đông và Bắc Phi cho biết: “Các quốc gia trong khu vực MENA (bao gồm cả Saudi Arabia) sẽ phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ khắc nghiệt và khan hiếm nước”.

Ông Paddy Padmanathan - cựu Giám đốc điều hành của Acwa Power, hiện là một doanh nhân trong ngành năng lượng tái tạo cho biết: “Họ hiểu rằng, nền kinh tế chỉ hoạt động hiệu quả nếu có thể tiếp tục tận dụng chi phí năng lượng mặt trời ngày càng rẻ”.

Vương quốc này đang đặt cược rằng, nguồn điện dồi dào, chi phí thấp sẽ thu hút các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép. Acwa đang giúp xây dựng nơi có khả năng trở thành nhà máy sản xuất hydro xanh lớn nhất thế giới, với mục tiêu xuất khẩu sang châu Âu và những nơi khác với chi phí cao hơn.

Các nhà phân tích cho rằng, vấn đề duy nhất là Saudi Arabia không phát triển nhanh như mong muốn. Ông Nishant Kumar - nhà phân tích năng lượng và tái tạo tại công ty nghiên cứu Rystad Energy cho rằng, Saudi Arabia có thể chỉ đạt được khoảng một nửa mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2030 về lắp đặt năng lượng mặt trời, trong khi điện gió còn trễ hơn nữa. Theo các nhà phân tích, lý do duy nhất dẫn đến sự chậm trễ này là do chính phủ không tạo điều kiện để kích thích các công ty cạnh tranh nhằm thúc đẩy sản lượng.

Tuy nhiên, năng lượng tái tạo vẫn đang tạo ra nhiều việc làm. Acwa có 3.840 nhân viên với khoảng 1.900 người ở Saudi Arabia. Cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp năng lượng sạch hấp dẫn những người trẻ ở vương quốc này.

Từ năm 2015 đến năm 2023, công suất năng lượng tái tạo ở Saudi Arabia đã tăng trưởng 82,4%, từ 0,02GW lên 3GW. Tỷ lệ ấn tượng này dự kiến sẽ tiếp tục với tốc độ CAGR là 40,1% từ năm 2023 đến năm 2030, đạt công suất dự kiến là 31,5GW vào năm 2030 và 63,1GW vào năm 2035.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/saudi-arabia-huong-toi-tuong-lai-ngoai-dau-mo-10282870.html