Saudi Arabia tăng mạnh xuất khẩu dầu, cáo buộc Nga vi phạm hạn ngạch OPEC+
Những gì diễn ra cho thấy liên minh các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (tổ chức OPEC+) đứng trước nguy cơ rạn nứt lớn.
Xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia đã tăng lên mức cao nhất trong ba tháng vào thời điểm tháng 10 năm 2024, theo dữ liệu mới nhất được Sáng kiến Chỉ số Tổ chức Chung (JODI) công bố hôm 18 tháng 12.
Saudi Arabia - nhà xuất khẩu nguyên liệu thô chiến lược lớn nhất thế giới, đã cung cấp cho người tiêu dùng 5,92 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 10 năm 2024, nhiều hơn 174 nghìn thùng mỗi ngày so với tháng 9.
Đây là khối lượng xuất khẩu trung bình cao nhất từ Vương quốc Trung Đông này trong 3 tháng, theo cơ sở dữ liệu của JODI, nơi tổng hợp thông tin do từng quốc gia cung cấp.
Ngược lại, xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển đã giảm 11% so với mức đỉnh gần đây vào tháng 10 do việc bảo trì tại cảng Primorsk bên bờ biển Baltic, cũng như áp lực lên Moskva (bao gồm cả từ Riyadh) trong việc đáp ứng hạn ngạch của OPEC+.
Theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg tổng hợp, xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển đạt trung bình 3,06 triệu thùng/ngày trong 4 tuần tính đến ngày 15 tháng 12.
Con số này chỉ thấp hơn 11% so với mức đỉnh gần đây của khối lượng trung bình 4 tuần là 3,46 triệu thùng/ngày vào đầu tháng 10.
Trong khi đó Saudi Arabia - quốc gia đang bí mật tăng nguồn cung sản phẩm dầu mỏ của mình ra nước ngoài, đã tố cáo Nga vì không đáp ứng hạn ngạch để giảm sản xuất và xuất khẩu.
Một số quốc gia đang vi phạm thỏa thuận hạn chế, nhưng theo Riyadh, Moskva không có quyền làm điều này, vì Liên bang Nga nằm trong số những nước đứng đầu tổ chức và phải làm gương cho những thành viên khác.
Mặc dù vậy trong bối cảnh nền kinh tế và ngân sách gặp nhiều khó khăn, chính vương quốc Trung Đông này đã “làm gương” về cách điều hành kinh doanh trong thời điểm khó khăn của toàn ngành.
Theo các nhà quan sát, sự cạnh tranh khốc liệt trong liên minh, cũng như áp lực mạnh mẽ từ các nhà cung cấp bên ngoài OPEC+, đang buộc các quốc gia thuộc tổ chức phải xem xét lại ngay cả những "giáo điều" của chính mình.
Theo Reporter