Say mê với 'nguyên mẫu' Hà Nội

Hà Nội luôn là thành phố 'gieo thương nhớ' cho những người từng gắn bó với mảnh đất này. Với nghệ thuật, 'nguyên mẫu' Hà Nội là đề tài sáng tác không bao giờ cạn của nghệ sĩ, trong đó có không ít nhiếp ảnh gia.

Một bức ảnh trong cuốn sách "Những người muôn năm cũ" của nhiếp ảnh gia Hà Tường chụp một số văn nghệ sĩ năm 1983.

Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt quy tụ nhiều anh tài, trong đó có rất nhiều nhiếp ảnh gia có tiếng. Hà Nội, đề tài "thời thượng" trong nhiều sáng tác văn học nghệ thuật, lẽ tất nhiên cũng thu hút sức sáng tạo từ những tay máy chuyên và không chuyên. Trong số ấy có những nhiếp ảnh gia cả đời say mê với “nguyên mẫu” Hà Nội.

Kiên trì theo đuổi một đề tài là Hà Nội, đầu tiên có lẽ phải nhắc đến nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng. Ông say mê chụp Hà Nội từ những năm tháng bộ đội tiếp quản Thủ đô vào tháng 10-1954, rồi Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, "Điện Biên Phủ trên không"... cho đến những bộ ảnh hiện đại về Hà Nội 36 phố phường, về hàng rong Hà Nội, về cây xanh, hoa rơi mặt hồ, hay về cây cầu và cuộc sống ven sông...

Mỗi một đề tài là cả một bộ sưu tập ảnh gồm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bức được chụp trong rất nhiều năm. Ông hiểu chuyện đời của cây, của phố, của những người ngoại tỉnh lặn lội kiếm sống nơi đô thị từng là nhân vật trong những bức ảnh của ông.

Năm 2011, cuốn sách ảnh song ngữ gồm gần 100 bức, mang tên “Dạo quanh Hồ Gươm” của ông đã được xuất bản. Cuốn sách chứa đựng một tình yêu sâu nặng của ông với Hà Nội, với Hồ Gươm dấu yêu. Yêu thành phố đến từng góc phố, hàng cây, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng từng tâm sự “sẽ chụp ảnh về Hà Nội đến khi nào không thể bước chân ra khỏi nhà, không còn nhìn thấy cảnh vật xung quanh, không còn nghe tiếng reo vui của lá hoa cây cỏ mỗi mùa”.

Cũng đắm đuối với ảnh Hà Nội là lão nghệ sĩ Lê Vượng. Hơn 80 năm làm bạn cùng nhiếp ảnh, gia tài ảnh về Hà Nội của ông là hàng nghìn tư liệu ảnh xưa và nay. Từ những năm 1930, cùng với chiếc máy ảnh ông đã rong ruổi khắp “gầm trời” Hà Nội để ghi lại từng khoảnh khắc của nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc ở mảnh đất nơi ông đã sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời. Chỉ đến khi tuổi cao sức yếu, không thể đi được nữa, thói quen lang thang phố phường Hà Nội của ông mới dần nén lại.

Ảnh Hà Nội của Lê Vượng đa dạng, khi phản ánh trung thực đời sống Hà Nội với những gương mặt dung dị đời thường, lúc lại mang đậm đường nét, hình khối đầy chất hội họa với những tên ảnh “rất thơ”. Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc nhận xét: “Lê Vượng không chạy theo một trường phái nào cả. Ảnh của ông tìm cái đẹp cổ điển, chân phương, rất gần với hội họa do bố cục, đường nét, màu sắc”. Kho tư liệu ảnh Hà Nội tuyệt đẹp và vô giá của Lê Vượng đã đưa ông đến với Giải thưởng lớn Giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2016.

Từng tổ chức nhiều triển lãm ảnh cá nhân như “Các làng nghề truyền thống”, “Thành đô yêu dấu”, “Ký ức làng”, “Ký ức phố”..., từng biên tập cho nhiều cuốn sách ảnh tư liệu như “Hà Nội ngày tiếp quản”, “Những ký ức còn lại”, “Thủ đô huyết lệ”, “Âm vang lời thề quyết tử”, nhưng phải đến năm 2016, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo mới cho ra mắt cuốn sách ảnh Hà Nội của riêng mình. Cuốn sách ảnh “Hà Nội dấu yêu” là một “tập truyện ngắn bằng hình ảnh về Hà Nội” với 198 bức ảnh chân thực kể những “câu chuyện biết nói về Hà Nội”.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đây là một cuốn sách khó có thể xem nhanh bởi "cảm xúc của Hữu Bảo qua những tấm ảnh sẽ lan tỏa đến với mọi người như một chất men, làm nung nấu trong mỗi con người của các thế hệ khác nhau một tình cảm mà người nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa này đã gửi gắm ở tên gọi giản dị nhưng rất đỗi chân thành trong cuốn sách ảnh đầu tay của mình: Hà Nội dấu yêu”.

“Ảnh về Hà Nội” của nhiếp ảnh gia Hà Tường cũng có nét đặc biệt khi mang đến cho độc giả hình ảnh của “những người muôn năm cũ” - các văn nghệ sĩ nổi tiếng của Hà Nội như bộ tứ hội họa Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, các nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, nhà sử học Trần Quốc Vượng, nhà thơ Đặng Đình Hưng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh... Với công chúng yêu nghệ thuật, bộ ảnh chân dung Hà Nội của nhiếp ảnh gia Hà Tường giúp họ hiểu thêm về đời sống văn nghệ một thời.

Cùng với các nhiếp ảnh gia lão thành, nhiều tác giả đã và đang tiếp nối tình yêu Hà Nội qua ảnh. Đó là Hoài Linh với những “cảm xúc Hà Nội”, là Nguyễn Xuân Chính với từng “góc nhỏ Hà Nội”, là Lê Bích nặng lòng với ảnh lễ hội, nghệ nhân và các làng nghề, phố nghề Hà Nội... Rồi là các nhóm bạn trẻ yêu nhiếp ảnh và yêu Hà Nội như Vietnam Cityscape Photos, Humans of Hanoi... Họ vẫn đang ngày ngày nắm bắt từng khoảnh khắc Hà Nội để những khung cảnh, đời sống, chân dung Thủ đô hôm nay sẽ còn hiện hữu mãi qua trang sách.

Việt Nhật

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1013961/say-me-voi-nguyen-mau-ha-noi