SCMP: Lối thoát duy nhất cho Myanmar

Nhận định tình hình bất ổn tại Myanmar hiện nay, SCMP cho rằng, quân đội và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) một lần nữa phải tìm cách chia sẻ quyền lực, vì lợi ích của người dân và các quốc gia đã đầu tư rất nhiều vào nền kinh tế Đông Nam Á này.

Biểu tình phản đối đảo chính tại Yangon, Myanmar, ngày 16/3.

Biểu tình phản đối đảo chính tại Yangon, Myanmar, ngày 16/3.

Khi số người chết vì bạo lực chính trị ngày càng tăng tại Myanmar, mối đe dọa từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với chính quyền quân sự nắm quyền từ cuộc đảo chính hôm 1/2 cũng ngày một lớn. Các tướng lĩnh Myanmar đã vượt qua những hình phạt như vậy trong nhiều thập kỷ qua, dường như tỏ ra không hề nao núng trước những lời đe dọa.
Tuy nhiên, vấn đề là Myanmar hiện đã khác, khi đất nước đã được trải nghiệm những lợi ích của việc mở cửa với thế giới, cũng như những thành quả kinh tế - xã hội mà đầu tư nước ngoài mang lại.
Theo SCMP, cô lập Myanmar không phải là một lựa chọn sáng suốt lúc này, buộc các bên tại nước nàu phải thương lượng để giải quyết nhằm đưa tình hình ổn định trở lại, chia sẻ quyền lực lãnh đạo - một tình huống mà các nước láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng các quốc gia có quyền lợi phải nỗ lực thúc đẩy, thuyết phục các bên đàm phán.
Quân đội Myanmar tuyên bố nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và đảng NLD của bà đã "thắng cử gian lận" vào tháng 11 năm ngoái, lấy đó làm lý do để lật đổ Chính phủ, áp đặt tình trạng khẩn cấp và bắt giữ cũng như buộc tội hàng trăm nhân vật chính trị.
Các cuộc biểu tình nổ ra là không thể tránh khỏi, nhưng quan trọng là nó đã dẫn đến việc nhiều người thiệt mạng và các hoạt động kinh doanh bị phá hoại.
Bắc Kinh, với mối quan hệ thân thiện với cả các tướng lĩnh và NLD, đã vô tình trở thành mục tiêu của sự phẫn nộ, khi bị một số người biểu tình coi là lực lượng ủng hộ quân đội. Các công ty có liên kết với Trung Quốc đã bị đốt phá trong cuôc biểu tình hôm 14/3 vừa qua, gây thiệt hại hàng chục triệu USD và làm bị thương một số người Trung Quốc.
Nhưng các công ty Trung Quốc không phải là những DN duy nhất vướng vào tình trạng bất ổn chính trị này. Việc Myanmar dần mở cửa thông qua cải cách kinh tế và chính trị trong thập kỷ qua đã thu hút các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia.
Singapore đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn đầu tư lớn nhất vào Myanmar trong năm 2020. Trong khi Nhật Bản, Thái Lan và Ấn Độ cũng có những lợi ích tài chính đáng kể tại quốc gia Đông Nam Á này. Đầu tư đã mang lại công ăn việc làm và nâng cao mức sống cho người dân.
"Người Myanmar đã trải qua chế độ bán dân chủ và những lợi ích kinh tế cùng với một thế giới số hóa, việc quay trở lại thời kỳ trước (quân chủ) sẽ gần như không thể", tờ SCMP nhận định, từ đó cho rằng sự "đồng cai trị" của quân đội và NLD là lối thoát tốt nhất và duy nhất để Myanmar vượt qua khủng hoảng. Bắc Kinh, ASEAN và các nước khác phải thuyết phục tất cả các bên đàm phán, tìm ra điểm chung và làm việc cùng nhau.

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/scmp-loi-thoat-duy-nhat-cho-myanmar-413136.html