Sẽ báo cáo Bộ Chính trị việc nghiên cứu giảm số lượng bộ, ngành

Bộ Nội vụ dự kiến xây dựng đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI trình Chính phủ trong giai đoạn 2025 - 2026.

Chiều 16-6, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ quý II. Tại cuộc họp báo, phóng viên đề nghị thông tin thêm việc thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ đề xuất cắt giảm bộ, cơ quan ngang bộ nào trong cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khóa XVI.

Trả lời, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức, Biên chế Trần Văn Khiêm cho hay theo Nghị quyết của Quốc hội, cơ cấu Chính phủ khóa XV giữ nguyên như hiện nay.

Liên quan đến việc nghiên cứu đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XVI tới, ông Khiêm nói đây là nhiệm vụ nằm trong chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, việc xây dựng được Đề án cơ cấu Chính phủ khóa XVI phải thực hiện trên cơ sở tổng kết 20 năm cơ cấu Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV.

“Việc này phải báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi Chính phủ trình Quốc hội theo quy định”- ông Khiêm nói và nhấn mạnh việc nghiên cứu giảm bớt bộ, cơ quan ngang bộ nào trong cơ cấu tổ chức Chính phủ chỉ được thực hiện sau khi thực hiện xong việc tổng kết nói trên.

Cũng theo ông Trần Văn Khiêm, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo chương trình hành động thực hiện Kết luận 50 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18, trong đó có nhiệm vụ tổng kết 20 năm thực hiện cơ cấu Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Khiêm cho rằng đây mới là dự thảo trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ, các công việc chính thức phải chờ tới khi chương trình được ban hành.

Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh. Ảnh: CTV

Thông tin thêm, ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ lưu ý đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, đụng chạm đến cơ cấu, tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu của Chính phủ.

Chính vì vậy, vấn đề này cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng, cẩn trọng, qua nhiều “vòng”. Đặc biệt, căn cứ Nghị quyết 18 (một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả), trên cơ sở tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện cơ cấu Chính phủ, Bộ Nội vụ mới nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, cấp có thẩm quyền về cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI.

“Phải qua rất nhiều bước, đây mới là bước nghiên cứu. Bộ Nội vụ chưa có bất kỳ đề xuất nào với cấp có thẩm quyền về việc nhập bộ này, bộ kia. Tương tự, đến thời điểm này, Bộ Nội vụ chưa có bất cứ đề xuất nào về việc sáp nhập tỉnh này với tỉnh kia, mới đề xuất việc sáp nhập huyện và xã”- ông Vũ Đăng Minh nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đáng chú ý, trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp Bộ Nội vụ đề ra có nội dung tiếp tục tham mưu đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Trong đó, Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Cùng đó, tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý vĩ mô và xây dựng chính sách; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển.

Bộ Nội vụ cũng nêu quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính, gồm tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI trình Chính phủ trong giai đoạn 2025-2026; Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập vào 10-2023.

Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng báo cáo về lộ trình cải cách chính sách tiền lương và việc bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cho cải cách chính sách tiền trình Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội trong năm 2023-2024.

Cơ cấu tổ chức Chính phủ thời điểm (2002-2007) có 38 cơ quan, gồm 26 bộ ngành và 12 cơ quan trực thuộc.

Nhiệm kỳ 2007-2011, bộ máy Chính phủ giảm xuống còn 30 cơ quan, gồm 18 bộ, bốn cơ quan ngang bộ và tám cơ quan thuộc Chính phủ. Đến nay, cơ cấu bộ máy Chính phủ vẫn giữ ổn định như vậy.

Cụ thể, 18 bộ gồm: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, NN&PTNT, GTVT, Xây dựng, TN&MT, TT&TT, LĐ-TB&XH, VH-TT&DL, KH&CN, GD&ĐT, Y tế.

Bốn cơ quan ngang bộ gồm Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

Tám cơ quan thuộc Chính phủ gồm Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-noi-vu-se-bao-cao-bo-chinh-tri-viec-nghien-cuu-giam-so-luong-bo-nganh-post738271.html