Sẽ báo cáo Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức
Chính phủ đang chỉ đạo TPHCM nghiên cứu để sắp tới có xuất những chính sách đặc thù, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của TP.Thủ Đức và sẽ báo cáo Quốc hội để có thể ban hành Nghị quyết thí điểm về vấn đề này.
Tại phiên làm việc sáng nay (12/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.
Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày cho thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật.
Dẫn chứng, ông Tùng cho biết, Chính phủ, chính quyền địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai việc rà soát tiêu chuẩn của ĐVHC để xây dựng phương án, đề án sắp xếp ĐVHC trình UBTVQH ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua đó cả nước đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.
Tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị ở các ĐVHC hình thành sau sắp xếp đều được kiện toàn theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 653 và các nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp ĐVHC của mỗi địa phương.
Đoàn giám sát cũng ghi nhận Chính phủ và các địa phương đều xây dựng phương án, lộ trình và cam kết, quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do thực hiện sắp xếp ĐVHC trong thời hạn quy định.
“Kết quả sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách như chủ trương của Đảng đã đề ra mà hơn thế nữa, còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững” – báo cáo nhận định.
Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ hơn những kết quả đạt được so với mục tiêu đặt ra như thế nào.
“Mục tiêu tinh gọn bộ máy thì tinh gọn thế nào? Tinh giản biên chế thì tinh giản được bao nhiêu? Vì sao đến nay còn tồn đọng nhiều thế. Theo số liệu đến 2021 còn hơn 3.000 cán bộ cấp xã chưa giải quyết xong?” - Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Lãnh đạo Quốc hội cũng đề nghị làm rõ thêm hiệu quả và tiêu chí nào để sắp xếp TP.Thủ Đức, TPHCM.
“TPHCM đang đề nghị cơ chế đặc thù cho Thủ Đức và Hà Nội cũng đang chuẩn bị thành lập thành phố trong thành phố. Những việc này căn cứ vào pháp luật và tiêu chí, tiêu chuẩn thế nào?” - ông Huệ nói.
Hồi âm Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định TP.Thủ Đức là mô hình khuyến khích và theo mô hình mới “thành phố trong thành phố” quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
“Qua thực tiễn và Bộ Nội vụ có trao đổi với TPHCM thì đúng là quản trị trên địa bàn cần phải xem xét. Đồng thời vấn đề phân cấp, phần quyền như thế nào trong mô hình đô thị dưới cấp tỉnh cũng được lưu ý” – ông Thăng thông tin.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hiện vấn đề này đang được giao xây dựng đề án báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội về mô hình đô thị dưới cấp tỉnh.
“Hiện đang nghiên cứu sửa Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TPHCM, trong đó có vấn đề TP.Thủ Đức. TP.Thủ Đức là đô thị dưới cấp tỉnh nhưng có thể có cơ chế như thế nào về phân cấp, phân quyền cho phù hợp” - ông Thăng cho hay.
Nói thêm sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chia sẻ, TP.Thủ Đức được UBTVQH thành lập trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, trên cơ sở sáp nhập 3 quận. Việc thực hiện sáp nhập này thực hiện theo Nghị quyết 1211, 1210 và đánh giá theo các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại các văn bản đó.
Quá trình thẩm tra, theo ông Tùng, Ủy ban Pháp luật đã nêu ý kiến với Chính phủ và với UBND TPHCM là cơ quan soạn thảo Đề án trong việc đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.Thủ Đức, để làm sao phát huy những tiềm năng, lợi thế như trình bày trong Đề án.
“Chúng tôi được biết là Chính phủ đang chỉ đạo TPHCM nghiên cứu để sắp tới có thể đề xuất những chính sách đặc thù, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của TP.Thủ Đức và sẽ báo cáo Quốc hội để có thể ban hành Nghị quyết thí điểm về vấn đề này” – ông Tùng nhấn mạnh.