Sẽ báo cáo vấn đề Thủ Thiêm lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, cho biết sẽ báo cáo các vấn đề tồn đọng tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng như theo dõi, giám sát vụ việc cho đến khi được giải quyết triệt để

Chiều 17-6, tại Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP HCM) đã diễn ra buổi đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ, UBND TP HCM với khoảng 20 người đại diện cho các hộ dân có khiếu nại liên quan đến ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường (Bình An, Bình Khánh, An Khánh, TP Thủ Đức) tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tham dự đối thoại có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng; Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện sở, ban, ngành TP HCM.

Quang cảnh buổi đối thoại chiều 17-6

Quang cảnh buổi đối thoại chiều 17-6

Tại buổi đối thoại, ông Đinh Đăng Lập, Phó Vụ trưởng Vụ 1, Thanh tra Chính phủ đã thông tin đến người dân Thông báo 1169 ngày 21-7-2021 của Thanh tra Chính phủ kết luận kiểm tra liên quan đến khiếu nại ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo đó, Thông báo 1169 kết luận có đủ cơ sở để xác định vị trí, ranh giới, số thửa đất của các hộ dân đang khiếu nại thuộc 5 khu phố 3 phường nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tại buổi đối thoại, đại diện các hộ dân lần nữa bày tỏ không đồng tình với nội dung kết luận 1169. Lập luận chính của họ vẫn là bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5000 theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ ngày 4-6-1996 đã thất lạc nên không đủ cơ sở để xác định ranh quy hoạch; các bản đồ được Thanh tra Chính phủ dùng làm căn cứ kết luận là không phù hợp quy định vì chứng cứ phải là bản gốc.

Sau phần ý kiến của người dân, đại diện các bộ, ngành trung ương và sở, ngành TP HCM đã giải đáp. Tuy nhiên, phần trả lời của các cơ quan chức năng vẫn không nhận được sự đồng thuận từ người dân.

Khi nguyện vọng của người dân và những giải đáp của cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được điểm chung, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, nhìn nhận những khiếu nại, khiếu kiện về Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa thể được giải quyết trong một buổi.

"Vấn đề của Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng là tâm tư của nhiều cán bộ, công chức Nhà nước, đại biểu Quốc hội" – ông nói và bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với người dân cũng như các cấp lãnh đạo của TP HCM khi đây là vấn đề đã trải qua 5 nhiệm kỳ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, phát biểu tại buổi đối thoại

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, phát biểu tại buổi đối thoại

"Tôi rất tâm đắc khi nghe bà con nói điều quan trọng nhất là đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, TP HCM và doanh nghiệp. Bà con luôn luôn ủng hộ chính sách phát triển Thủ Thiêm nói riêng và TP HCM nói chung khi lợi ích được đảm bảo" – ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Ông cho rằng ý kiến này là đòi hỏi rất chính đáng. Bà con Thủ Thiêm mong muốn được giải quyết sự việc đảm bảo công bằng, tính pháp lý và khách quan, dân chủ.

"Chúng tôi đã ghi nhận đầy đủ ý kiến bà con cùng các bộ, ngành tại buổi đối thoại hôm nay. Ban Dân nguyện sẽ xây dựng báo cáo, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đề nghị xem xét, quyết định" - Phó Ban Dân nguyện Quốc hội khẳng định.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh Ban Dân nguyện sẽ theo dõi, giám sát vụ việc này cho đến khi được giải quyết triệt để.

Mặt khác, ông cũng đồng tình với ý kiến đối với những vấn đề được người dân chứng minh rõ, cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết, xử lý. Những dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật nếu có sẽ được chuyển đến cơ quan điều tra.

Bán đảo Thủ Thiêm (TP Thủ Đức - TP HCM) được xem là vị trí đắc địa khi nằm cách trung tâm TP chỉ con sông Sài Gòn. Năm 1996, quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm chính thức được Thủ tướng chính phủ phê duyệt bằng Quyết định 367 ngày 4-6. Nơi đây được kỳ vọng là khu đô thị đẹp nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, do để xảy ra sai phạm, ranh quy hoạch nhiều lần điều chỉnh nên sau hơn 20 năm triển khai, Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa được hoàn thành. Nhiều cán bộ để xảy ra sai phạm ở dự án đã bị kỷ luật; câu chuyện khiếu nại, khiếu kiện của các hộ dân trong khu vực kéo dài đến tận hôm nay.

Những năm qua, các cơ quan Trung ương và chính quyền TP HCM đã có nhiều cuộc đối thoại, làm việc với người dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cuộc đối thoại gần đây nhất giữa Thanh tra Chính phủ, chính quyền TP HCM với các hộ dân Thủ Thiêm là diễn ra vào ngày 27-11-2020, để giải quyết khiếu kiện ngoài ranh của các hộ dân ở 5 khu phố thuộc 3 phường theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Tại buổi này, trong phần công bố dự thảo báo cáo kiểm tra, rà soát liên quan khiếu nại ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường, đại diện Thanh tra Chính phủ dẫn chứng nhiều hệ thống bản đồ quy hoạch, quyết định thành lập quận 2, ranh quy hoạch... để chứng minh nhà đất các hộ khiếu nại nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Từ đó cơ quan thanh tra khẳng định khiếu nại của người dân "không có cơ sở giải quyết".

Hầu hết ý kiến người dân bày tỏ sự không đồng tình với dự thảo. Họ cho rằng hệ thống bản đồ quy hoạch mà UBND TP cung cấp cho Thanh tra Chính phủ không có giá trị pháp lý để xác định ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-tri/se-bao-cao-van-de-thu-thiem-len-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-20220617204028393.htm