Sẽ bị xử phạt cao hơn
Ảnh minh họa
Từ 1/10/2020, Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác sẽ có hiệu lực thi hành. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư rác, Nghị định 77/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2008/NĐ-CP.
Điều quan trọng là Nghị định 91 đưa ra mức xử phạt cao hơn đối với hành vi gửi tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác, vấn đề được xem là căn bệnh trầm kha chưa được xử lý triệt để trong nhiều năm qua.
Thế nào là tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác?
Nghị định 91 nêu rõ, tin nhắn rác gồm tin nhắn quảng cáo không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc tin nhắn quảng cáo vi phạm các quy định về gửi tin nhắn quảng cáo tại nghị định này; tin nhắn vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Giao dịch điện tử, Điều 12 Luật CNTT, Điều 12 Luật Viễn thông, Điều 8 Luật Quảng cáo, Điều 7 Luật An toàn thông tin và Điều 8 Luật An ninh mạng.
Thư điện tử rác thì bao gồm thư điện tử quảng cáo không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc vi phạm các quy định về gửi thư điện tử quảng cáo tại nghị định này cũng như các điều, luật nêu trên.
Tương tự, cuộc gọi rác cũng bao gồm cuộc gọi thoại quảng cáo không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc vi phạm các quy định về cuộc gọi điện thoại quảng cáo tại nghị định này cũng như các điều, luật nêu trên.
Liệu xử lý được triệt để?
Trước vấn nạn về “rác” viễn thông như thời gian qua, Bộ TT-TT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đưa ra hàng loạt biện pháp chống, chặn tin nhắn, thư điện tử và cuộc gọi rác như: Xây dựng, triển khai các hệ thống chống, chặn; Xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện rác viễn thông; Theo dõi, chia sẻ, giám sát thông tin, dữ liệu về nguồn phát tán rác viễn thông; Tiếp nhận, xử lý phản ánh về thực trạng này…
Trong các biện pháp trên, đáng chú ý là việc thu hồi địa chỉ điện tử phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác thông qua Cục An toàn thông tin, cơ quan điều phối của Bộ TT-TT về nhiệm vụ này.
Do vậy, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, thư điện tử và người quảng cáo phải có trách nhiệm tuân thủ và hợp tác với Cục An toàn thông tin để triển khai. Bộ TT-TT đã chỉ đạo đơn vị chức năng xây dựng Danh sách không quảng cáo (DoNotCall) là tập hợp số điện thoại mà người có quyền sử dụng số điện thoại đó đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào.
Và tất nhiên, người quảng cáo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet không được phép gửi, gọi bất kỳ nội dung quảng cáo nào vào các số điện thoại trong danh sách này. Tổ chức, cá nhân đều có quyền đăng ký hoặc rút ra khỏi danh sách này.
Bộ TT-TT cũng chỉ đạo đơn vị chức năng xây dựng “danh sách đen” có địa chỉ IP/dải IP (IP Blacklist) phát tán thư điện tử rác từ các nguồn để làm cơ sở dữ liệu chung. Nguồn dữ liệu này sẽ được chia sẻ để các nhà cung cấp dịch vụ tăng cường trách nhiệm chặn, lọc, hạn chế bị lạm dụng phát tán email rác.
Trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ như thế nào?
Kể từ ngày 1/10/2020, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, thư điện tử phải hướng dẫn người sử dụng dịch vụ sử dụng công cụ, ứng dụng để chống tin nhắn, cuộc gọi rác, thực hiện nghiêm việc không gửi, gọi nội dung rác đến danh sách DoNotCall. Kiên quyết thu hồi các địa chỉ phát tán tin nhắn, thư điện tử và cuộc gọi rác. Áp dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong xây dựng, vận hành hệ thống kỹ thuật chống, chặn rác viễn thông.
Chia sẻ kịp thời các mẫu về tin nhắn rác cho Cục An toàn thông tin để tiến hành xử lý. Căn cứ vào Bộ tiêu chí nhận diện rác viễn thông, “danh sách đen” có địa chỉ IP/dải IP để có biện pháp chống, chặn, lọc ngay lập tức, nhất là việc phối hợp xử lý với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và quốc tế. Tuyệt đối không được thu, trừ cước tin nhắn khi người sử dụng nhắn tin từ chối nhận quảng cáo, tin nhắn quảng cáo. Khâu rà soát hệ thống máy chủ thư điện tử để đảm bảo không trở thành nguồn phát tán thư điện tử rác cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Khoản 5, 6, Điều 13 Nghị định 91/2020/NĐ-CP còn nêu rõ: Người quảng cáo cần lưu ý về tần suất, thời gian gửi tin nhắn, email, gọi điện quảng cáo theo quy định như: Không được gửi quá 3 tin nhắn trong vòng 24 giờ, thời gian được gửi tin nhắn quảng cáo từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, không được gọi quá 1 cuộc gọi quảng cáo trong vòng 24 giờ, thời gian gọi điện thoại quảng cáo từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày, tin nhắn, email quảng cáo phải có thông tin giá cước. Bên cạnh đó, vẫn phải đáp ứng các yêu cầu trước đây như: Phải được gắn nhãn quảng cáo, phải có chức năng từ chối…
Theo Điều 22 của nghị định này, mọi cuộc gọi điện thoại quảng cáo đều phải có đầy đủ thông tin về người thực hiện cuộc gọi (gồm tên và địa chỉ), và được giới thiệu đầu tiên trước khi cung cấp nội dung quảng cáo. Trong trường hợp quảng cáo cho dịch vụ có thu cước, thì phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước. Đặc biệt, trong trường hợp người nghe từ chối nhận cuộc gọi, người quảng cáo phải chấm dứt ngay việc tiếp tục gọi điện thoại quảng cáo đến người đó.
Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được sự đồng ý, người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời tin nhắn quảng cáo.
- Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi thực hiện quá 1 cuộc gọi đến 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; cuộc gọi quảng cáo ngoài thời gian 8-17 giờ mỗi ngày mà không có sự thỏa thuận với người sử dụng.
- Phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với việc gửi tin nhắn quảng cáo không đúng quy định của Bộ TT-TT, gửi tin nhắn đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.
- Đặc biệt, phạt từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/246194/se-bi-xu-phat-cao-hon-%C2%A0.html