Sẽ chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ để chống đô-la hóa
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ông Đào Minh Tú cho biết, chủ trương sẽ tiến tới chấm dứt cho vay vốn bằng ngoại tệ và chuyển dần sang quan hệ mua bán, nhằm đẩy mạnh tình trạng chống đô-la hóa trong nền kinh tế và ổn định thị trường ngoại tệ.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tỷ giá trong năm qua được kiểm soát ổn định nên không còn cơ hội đầu cơ, kể cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Nếu “găm” ngoại tệ sẽ bị lỗ ngay khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trung tâm thường xuyên.
"Chủ trương của NHNN là tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ chuyển qua quan hệ mua - bán ngoại tệ. Điều này đang được NHNN thực thi để đẩy mạnh tình trạng chống đôla hóa", Phó Thống đốc Tú nhấn mạnh.
Trước đó, kể từ 1/10/2019, các NHTM không còn được cho vay ngoại tệ trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Đó là quy định tại Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.
Theo NHNN, thông tư này nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Theo quy định tại Thông tư 42/2018/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phải dừng tất cả các hoạt động cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước.
Mặt khác, các tổ chức tín dụng chỉ được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn gồm: Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;
Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Khi được TCTD giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán lại số ngoại tệ vay đó cho chính TCTD đó theo hình thức giao dịch giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ;
Cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Không chỉ kiên định trong việc siết dần cho vay vốn bằng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì lãi suất huy động USD ở mức 0% trong nhiều năm qua, trong khi lãi suất huy động tiền đồng vẫn 5-7%/năm.
Bên cạnh đó, tỷ giá được kiểm soát linh hoạt ổn định, vì thế nhiều người đã chuyển từ USD sang nắm giữ VND để hưởng lãi tiết kiệm cao.