Sẽ chỉ còn chủ rừng là cộng đồng

Với mục tiêu rừng phải có chủ, là chủ trương đúng của Nhà nước được nhân dân kỳ vọng, góp phần nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Thực tế cho thấy, chính sách giao đất, giao rừng đã phát huy được tính hiệu quả trong sử dụng đất và bảo vệ rừng. Nhiều chủ rừng đã phát huy tính chủ động sau khi nhận đất, nhận rừng đã đầu tư trồng và bảo vệ rừng, bước đầu hình thành một số sản phẩm lâm sản đặc thù; tạo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng; đời sống của người dân sống gần rừng từng bước được cải thiện.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cùng các đơn vị liên quan kiểm, tra giám sát Dự án VFD tại xã Mường Khoa (Bắc Yên).

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cùng các đơn vị liên quan kiểm, tra giám sát Dự án VFD tại xã Mường Khoa (Bắc Yên).

Việc rà soát, điều chỉnh, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp thí điểm tại huyện Bắc Yên những năm qua đã khắc phục được tồn tại, hạn chế trong giao đất, giao rừng, tăng cường quản lý Nhà nước về lâm nghiệp và làm cơ sở để thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng đảm bảo đúng đối tượng, công bằng, công khai, minh bạch. Đồng thời, tạo ra quỹ đất tập trung để thu hút đầu tư trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng.

Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng giai đoạn 2000-2006, tỉnh Sơn La đã giao 785.624,27 ha đất lâm nghiệp cho trên 64.000 chủ rừng; trong đó, huyện Bắc Yên giao được trên 58.000 ha cho các đối tượng là cộng đồng, hộ gia đình, ban quản lý rừng đặc dụng, tổ chức chính trị - xã hội cấp thôn, bản, nhóm hộ...

Tuy nhiên, việc giao đất giao rừng giai đoạn này không thực hiện đo đạc địa chính chính quy mà chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ công nên có độ chính xác không cao, dẫn đến tình trạng ở nhiều nơi hồ sơ giao cho chủ rừng ở một nơi, chủ rừng lại quản lý ở một nơi khác, chủ rừng chưa nắm được ranh giới giao trên thực địa. Hệ thống quản lý hồ sơ, theo dõi diễn biến rừng hiện tại không đồng bộ, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng... Nhiều trường hợp diện tích đất, vị trí đất ghi trong hồ sơ và giấy chứng nhận không đúng với thực địa, dẫn đến tình trạng diện tích đất trùng nhau, tranh chấp đất và rừng ở nhiều nơi chưa được giải quyết dứt điểm...

Trước thực trạng trên, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Dự án “Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu ở rừng và đồng bằng Việt Nam” (dự án VFD) hỗ trợ không hoàn lại với số tiền gần 3 tỷ đồng để thực hiện rà soát, điều chỉnh, thu hồi, cấp đổi, cấp lại, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp tại 5 xã của huyện Bắc Yên vào tháng 5/2020. Kết quả của việc thí điểm này sẽ là hình mẫu để áp dụng thực hiện cho toàn bộ 15 xã của huyện Bắc Yên và nhân rộng mô hình thí điểm này cho các địa phương khác của tỉnh.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Yên cùng người dân bản Phúc, xã Mường Khoa kiểm tra rừng cộng đồng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Yên cùng người dân bản Phúc, xã Mường Khoa kiểm tra rừng cộng đồng.

Mường Khoa (Bắc Yên) là một trong 5 xã được huyện chọn làm điểm. Ông Lừ Văn Chuyền, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Qua triển khai thực hiện luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn xã. Trước khi cấp đổi, toàn xã có 10 chủ rừng cộng đồng, 554 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân. Đến thời điểm này, xã đã hoàn thành việc cấp đổi lại, toàn xã chỉ còn 8 chủ rừng cộng đồng quản lý, với tổng diện tích cấp đổi, cấp lại trên 3.598 ha. Đây là cơ hội dồn điền, đổi thửa để tạo thuận lợi trong thực hiện các chính sách phát triển KT-XH, chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu hút dự án đầu tư.

Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện thí điểm tại 5 xã trên địa bàn huyện Bắc Yên, đã giải quyết được những tồn tại và hạn chế trong công tác quản lý giao đất giao rừng hiện nay tại địa phương. Đến nay, các xã Tà Xùa, Xím Vàng, Mường Khoa, Tạ Khoa, Hua Nhàn được triển khai thí điểm rà soát, điều chỉnh, thu hồi, cấp đổi, cấp lại, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đã cơ bản hoàn thành các nội dung theo kế hoạch. Thực hiện thí điểm Dự án, huyện có 16.597 ha trong quy hoạch 3 loại rừng, 1.704 chủ rừng quản lý được rà soát, điều chỉnh; sau rà soát, điều chỉnh còn 12.396 ha, 31 chủ rừng quản lý là các cộng đồng dân cư bản.

Việc rà soát, điều chỉnh, thu hồi, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rừng trên địa bàn các huyện, thành phố là việc làm rất cần thiết, vừa phục vụ tốt cho công tác quản lý Nhà nước về đất lâm nghiệp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng, vừa phục vụ việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với lâm nghiệp trong đó có dịch vụ môi trường rừng. Ông Lê Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, cho biết: Việc thực hiện thí điểm ở Bắc Yên nhận được sự thuận cao của nhân dân. Công tác triển khai trên hiện trường quyết liệt, đúng quy trình, quy phạm, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Huyền Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/se-chi-con-chu-rung-la-cong-dong-44760