Sẻ chia cho Tết ấm
Đời sống khó khăn, thu nhập giảm sâu, thưởng Tết ít ỏi… với rất nhiều người, Tết Giáp Thìn 2024 là một cái Tết vô cùng khó khăn. Nhưng không phải vì khó mà để nhiều người không có Tết.
“Lá lành đùm lá rách”, từ rất nhiều ngày qua, trên khắp cả nước đã hối hả những hành động sẻ chia, những nghĩa cử chia bùi sớt ngọt, những chắt chiu san sẻ, đôi khi chỉ là “của ít lòng nhiều” nhưng đậm những ân tình, ấm áp… Tất cả chỉ cùng một mong muốn: người Việt nào cũng có Tết, cái Tết ấm áp, an lành, đủ đầy nhất có thể, để khởi đầu cho một năm mới với những niềm hy vọng mới.
Sáng 14/1/2024, hội trường Quận ủy 11 (TP.HCM) khá đông người, trong đó có không ít những gương mặt, dáng vóc lam lũ. Họ là những lao động nghèo trên địa bàn quận được Hội Chữ thập đỏ Phúc Lộc (thuộc Hội Chữ thập đỏ quận 11) cùng các nhà hảo tâm mời đến nhận quà. Trong ánh mắt họ sáng hôm đó, lấp lánh những niềm vui. “Nhận quà vui chớ, đỡ lắm” - bà Trần Nữ (70 tuổi, ngụ trong hẻm đường Lò Siêu) nói gọn lỏn rồi cười móm mém. Trên tay bà là giò chả, mì, nui...
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phúc Lộc Võ Thị Thu Sương, tổng cộng sáng 14/1, Hội Chữ thập đỏ Phúc Lộc (Q.11, TP.HCM) đã trao 88 phần quà Tết với tổng trị giá gần 100 triệu đồng cho người dân thuộc hộ nghèo, bà con người Hoa có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trên địa bàn Q.11. Dù kinh tế khó khăn song hoạt động này vẫn nhận được sự chung tay của nhiều nhà hảo tâm.
Cũng tại TP.HCM, gần một tuần sau đó, sáng 20/1, đã diễn ra một phiên chợ đặc biệt: phiên chợ 0 đồng tại Nhà văn hóa Thanh Niên (Q.1, TP.HCM). Phiên chợ bắt đầu từ 8 giờ sáng cho đến 17 giờ cùng ngày. Khoảng 2.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người lao động thất nghiệp… nhận được các phiếu mua hàng trị giá 600.000 đồng/phiếu. Đến phiên chợ, người dân được lựa chọn các loại hàng hóa là nhu yếu phẩm, bánh kẹo, nước ngọt… để ăn tết. “Phiên chợ 0 đồng nhưng đầy đủ hàng hóa, chẳng thiếu thứ gì nên hai mẹ con tôi coi như đã sắm đủ cho tết này”, người đàn ông nghèo đã 69 tuổi tên Trần Công Định chia sẻ. Được biết ngoài TP.HCM, những phiên chợ 0 đồng đặc biệt cũng được tổ chức đồng thời ở Hà Nội, Đà Nẵng và Long An trong dịp Tết Giáp Thìn này.
Điều đáng mừng là những hoạt động ấm áp tình người sẻ chia ấy không là đơn lẻ của mỗi đơn vị, địa phương nào mà đã, đang diễn ra tại khắp các địa phương trong cả nước. Tại TP.HCM, rất nhiều chương trình an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân dịp Tết Giáp Thìn năm nay tại TP.HCM đã “khởi động” từ rất sớm và rất phong phú với nhiều hình thức hỗ trợ bà con lao động nghèo, từ tặng phiếu mua hàng Tết đến trao tặng vé tàu và quà Tết, vé máy bay…
Dự kiến, MTTQ các cấp TP dành khoảng 150 tỷ đồng để chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn. Để các phần quà Tết đến đúng đối tượng, Mặt trận sẽ phối hợp với chính quyền và đoàn thể tại địa phương rà soát, nắm đúng đối tượng cần chăm lo đầy đủ và không bỏ sót đối tượng. Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán 2024, sẽ có 1.000 đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ từ nguồn Quỹ An sinh xã hội TP. Hồ Chí Minh, với tổng số tiền dự kiến 1 tỷ đồng. Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Hồ Chí Minh, có khoảng 200 lao động không có thưởng Tết sẽ được công đoàn các cấp chăm lo chu đáo.
Tại Nam Định, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã dành 1,5 tỷ đồng để trao 3.000 suất quà cho đoàn viên, công nhân lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định dành gần 2,5 tỷ đồng hỗ trợ 5.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn… Các chương trình Xuân Nhân ái, Tết Nhân ái cũng được tổ chức tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Lạng Sơn… nhằm phát huy truyền thống tương thân, tương ái, huy động tối đa nguồn lực xã hội, chung tay chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn được hưởng một cái Tết đầm ấm trên tinh thần “không để người dân nào không có Tết”. Như tại Tiền Giang, phong trào “Tết Nhân ái” đã được phát động và dự kiến, tổng kinh phí vận động phục vụ nhằm đưa phong trào “Tết Nhân ái” sâu rộng đến với mọi nhà trong tỉnh Tiền Giang lên đến 15 tỷ đồng, qua đó, hỗ trợ 30.000 hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương… trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Trên phạm vi cả nước, trung tuần tháng 11/2024 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xuất cấp 14.100 tấn gạo cho hơn 181.000 hộ với khoảng 935.000 nhân khẩu thuộc 15 tỉnh khó khăn, đảm bảo không có người dân nào bị đói, không có Tết.
Điều đáng mừng, đáng trọng hơn nữa là những sẻ chia ấy không chỉ là “lá lành đùm lá rách” mà cả “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Nhiều người, nhiều gia đình, nhiều doanh nghiệp dù đang phải thắt lưng buộc bụng, dè sẻn chi tiêu, những vẫn sẵn lòng sẻ chia, không chút đắn đo, suy tính, chỉ với một mong muốn giản đơn là giúp người khác bớt khổ, để ai cũng có thể có chút gọi là Tết, để không một ai không có Tết. Đơn cử như tại Đồng Nai, dù khó khăn nhưng Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina (TP. Biên Hòa) dành hơn 500 tỷ đồng thưởng Tết cho hơn 31.000 công nhân lao động. Công đoàn cơ sở phối hợp cũng tổ chức các hoạt động chăm lo Tết, tặng quà hỗ trợ cho 1.200 lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vé xe cả hai chiều cho công nhân về quê đón Tết... “Kinh tế khó khăn, không chỉ doanh nghiệp mà công nhân lao động cũng khó, do đó càng phải chăm lo cho người lao động nhiều hơn” - ông Đinh Sỹ Phúc, chủ tịch Công đoàn công ty, chia sẻ.
Với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới, chăm lo cho đồng bào có cái Tết đủ đầy, ấm áp cũng đặc biệt được chú trọng. Sự quan tâm, động viên, sẻ chia để hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đón một cái Tết vui tươi, ấp áp đã, đang diễn ra tại nhiều địa phương. Như chiều 19/1 mới đây, tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), Ban Công đoàn Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Binh đoàn 15, các doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội đã tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”, trao tặng hơn 15.000 suất quà tặng với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng cho các gia đình cán bộ, chiến sỹ, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong Binh đoàn 15, người dân vùng biên giới của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Binh đoàn 15 tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động ý nghĩa, như trưng bày và bán hàng “Gian hàng 0 đồng” nhằm cung cấp những mặt hàng dịch vụ thiết yếu tặng cho người lao động, người dân khó khăn; thi “Bánh chưng xanh”, giao lưu văn hóa văn nghệ, tặng quà cho già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng, đối tượng chính sách, nhân dân trên địa bàn và cán bộ, chiến sĩ, người lao động có hoàn cảnh khó khăn…
Sự lan tỏa mạnh mẽ của những chương trình Tết nhân ái, Xuân nhân ái, Tết sẻ chia…; Sự ủng hộ hết sức mạnh mẽ, thực chất, chí tình của rất nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trên khắp cả nước cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về đã là minh chứng cho thấy, truyền thống tương thân tương ái của người Việt đã thực sự thấm sâu vào trong mỗi trái tim người dân.
Mùa xuân đang gõ cửa từng nhà… Mùa xuân ấy sẽ còn ý nghĩa hơn khi ta sẻ chia được Tết ấm, Tết nghĩa tình đến muôn nhà, tới muôn cảnh đời còn vất vả, thiếu thốn, để ai ai cũng có cơ hội được có Tết… giúp họ tạm quên đi những cơ cực của cuộc sống thường nhật… âu đều là những nỗ lực đáng trân quý và cần tiếp tục được lan tỏa,…
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/se-chia-cho-tet-am-post282289.html