Sẻ chia giọt máu hiếm cứu người

Mang trong mình dòng máu hiếm Rh(-), những thành viên Câu lạc bộ (CLB ) Máu hiếm Bắc Giang hiểu rằng, nếu gặp rủi ro mà không có người cho máu thì cơ hội giành lại sự sống rất mong manh. Bởi thế bất kể đêm khuya hay phải vượt quãng đường xa, họ luôn sẵn sàng lên đường chia sẻ giọt máu hiếm để cứu người.

Đâu cần là đến

Chiều cuối tuần, chúng tôi ghé thăm phòng làm việc của anh Thân Ngọc Trọng (SN 1980), Phó Chủ tịch UBND phường Tăng Tiến (thị xã Việt Yên), Chủ nhiệm CLB Máu hiếm Bắc Giang. Anh cho biết, năm 2001, qua lấy máu xét nghiệm trước ca phẫu thuật đau ruột thừa, anh được xác định mang nhóm máu hiếm A Rh(-). Sau đó, Viện Huyết học truyền máu T.Ư liên hệ, kiểm tra rồi cấp cho anh thẻ mang mã số A37 - người thứ 37 trong cả nước được phát hiện mang nhóm máu A Rh(-).

 Người mang nhóm máu hiếm O Rh(-) xét nghiệm trước khi hiến cho anh Hà Văn Quý.

Người mang nhóm máu hiếm O Rh(-) xét nghiệm trước khi hiến cho anh Hà Văn Quý.

Được phát thẻ, anh Trọng bắt đầu tìm hiểu và biết rằng tỷ lệ người có nhóm máu Rh(-) ở Việt Nam rất ít, từ đó thôi thúc anh thường xuyên tham gia hiến máu. Để kịp thời biết được những hoàn cảnh, trường hợp đang cần máu, anh tạo lập thói quen không tắt điện thoại, không chặn số lạ và luôn để ở chế độ đổ chuông. Đến nay, anh đã có 26 lần hiến máu tại ngày hội hiến máu tình nguyện do địa phương tổ chức. Ngoài ra, anh cũng có hơn 10 lần trực tiếp đến các bệnh viện tuyến T.Ư, tỉnh hiến máu đột xuất cho các trường hợp cấp cứu nguy kịch.

“Tôi nhớ lần đầu tiên đi hiến máu trực tiếp là một ngày áp Tết Nguyên đán 2010. Gần 3 giờ sáng tôi nhận được điện thoại từ các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức về một trường hợp cháu bé quê ở Hải Phòng bị tai nạn dập cánh tay bên trái, mất nhiều máu. Không chút do dự, tôi vội thuê xe di chuyển đến bệnh viện, hiến 350 ml máu, giúp nạn nhân qua cơn nguy kịch”, anh Trọng kể.

Cũng giống như anh Trọng, chị Ngô Thị Thắng Cảnh (SN 1984), phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) cũng đã nhiều lần cho đi những giọt máu hiếm của mình. Theo lời kể, chị biết mình mang máu hiếm O Rh(-) từ khi cậu em trai được xác định mang nhóm máu này. Được em trai kết nối, chị tích cực tham gia hoạt động của các CLB Máu hiếm tại TP Hà Nội và Bắc Giang, sẵn sàng cho đi giọt máu của mình. Mới đây, sau khi biết thông tin Khoa Nội Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đang cấp cứu bệnh nhân Hà Văn Quý (SN 1973) trú tại xã Hồng Kỳ (Yên Thế) mang nhóm máu O Rh(-), cần truyền máu gấp, chị đã có mặt tại bệnh viện, hiến 250 ml máu giúp người bệnh qua cơn nguy kịch.

Còn với ông Đồng Phú Phòng (SN 1964), trú tại thôn Mia, xã An Hà (Lạng Giang), khi biết mình mang nhóm máu hiếm O Rh(-) hơn 10 năm trước, ông có chút lo lắng. Được tiếp cận các kiến thức cần thiết, cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện kết nối cùng những người cùng nhóm máu giúp ông yên tâm hơn vì vẫn có những trường hợp giống mình. Hiểu số lượng người mang nhóm máu như mình ít, mỗi năm ông Phòng có ít nhất 2 lần sẻ chia giọt máu nghĩa tình để cứu người. “Sang năm, tôi sẽ hết tuổi tham gia hiến máu song nếu những người cùng nhóm máu cần, các bác sĩ cho phép, tôi vẫn muốn được tiếp tục hiến. Bởi tôi hiểu, mỗi giọt máu cho đi sẽ giúp người bệnh có thêm cơ hội sống”, ông Đồng Phú Phòng nói.

Kết nối để sẻ chia

Theo bác sĩ Phạm Hồng Trường, Phó trưởng Khoa Nội Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), nhóm máu hiếm chỉ là một đặc tính di truyền, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Người mang nhóm máu Rh(-) có thể truyền máu cho người có nhóm Rh(+) hoặc Rh(-) nhưng chỉ nhận được máu Rh(-). Nếu truyền nhầm nhóm máu sẽ xảy ra hiện tượng tan máu (phản ứng loại trừ nhau) gây sốc, suy thận, trụy tim mạch, thậm chí tử vong. Để hạn chế những rủi ro trong cuộc sống, người nhóm máu hiếm phải quan tâm đến sức khỏe bản thân; thường xuyên liên lạc với người cùng nhóm máu để kịp thời hỗ trợ lẫn nhau khi có rủi ro. “Ở Việt Nam, do những người có nhóm máu Rh(-) chỉ chiếm 0,1% dân số nên lượng máu dự trữ của các bệnh viện ít, nhiều thời điểm không có. Để kịp thời có máu cứu chữa người bệnh, chúng tôi đã thiết lập danh sách người có nhóm máu hiếm để khi cần có thể tham gia hiến máu ngay”, bác sĩ Phạm Hồng Trường nói thêm.

CLB Máu hiếm Bắc Giang được thành lập từ năm 2010. Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay đã tập hợp được hơn 20 thành viên. Mang trong người dòng máu hiếm, hơn ai hết, họ hiểu rằng, nếu gặp rủi ro mà không có người cho máu thì cơ hội giành lại sự sống rất mong manh. Bởi thế bất kể đêm khuya hay phải vượt quãng đường xa xôi, họ vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ giọt máu hiếm của mình để cứu người. Bằng trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, mỗi năm, thành viên CLB hiến hàng chục đơn vị máu, giúp cứu chữa nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, do CLB hoạt động với hình thức tự phát nên có nhiều hạn chế trong kết nối, hỗ trợ thành viên hiến máu, nhất là khi đi các địa bàn xa.

“Các thành viên CLB đều chung suy nghĩ cho đi nhưng không mong nhận lại song để CLB phát triển, mở rộng, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn của các cấp, ngành liên quan. Tôi cũng mong muốn, những người mang trong mình nhóm máu hiếm trên địa bàn hãy gia nhập CLB để vừa có thể giúp người và giúp mình”, anh Thân Ngọc Trọng chia sẻ.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/se-chia-giot-mau-hiem-cuu-nguoi-092846.bbg