Sẻ chia với người dân về từ vùng dịch
Từ ngày 2-12/10, có trên 21.000 công dân di chuyển từ các tỉnh, thành phố phía Nam về Đắk Lắk. Trên quãng đường di chuyển về quê, người lao động đã được 'tiếp sức' từ những chai nước, hộp sữa, gói bánh… của người dân, chính quyền sở tại; khi về đến quê nhà bà con đã nhận được sự sẻ chia từ người thân, xóm giềng và hệ thống chính quyền cơ sở.
Sau nhiều tháng bám trụ ở tâm dịch Bình Dương, anh Ngô Văn Dũng cùng em gái đã quyết định trở về quê nhà tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng để tránh dịch. Người thân duy nhất của hai anh em là chú ruột bị khiếm thị sống bên cạnh nhà. Trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của anh Dũng, chính quyền địa phương đã kịp thời hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần hai anh em để an tâm cách ly tại nhà.
Anh Ngô Văn Dũng cho biết, cả hai anh em đều làm công nhân ở Bình Dương, những tháng qua dịch bệnh bùng phát mạnh, không còn thu nhập nên hai anh em quyết định về quê, chờ dịch bệnh ổn định để quay lại Bình Dương làm việc. Hiện cả hai anh em đang thực hiện cách ly tại nhà và được chú ruột mua giúp nhu yếu phẩm hằng ngày. Vừa qua, đại diện các cấp chính quyền đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ một phần vật chất để hai anh em có thêm khoản chi phí sinh hoạt, ăn uống trong thời gian tránh dịch.
“Trong thời điểm khó khăn, nhận được sự giúp đỡ, động viên từ phía chính quyền địa phương, bản thân tôi rất xúc động, đây cũng là động lực để hai anh em cùng nhau cố gắng, chấp hành đầy đủ các quy định cách ly tại nhà để bảo vệ người thân và cộng đồng”, anh Dũng chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Tam, huyện Krông Năng La Bế Thủy Trang, từ đầu tháng 10 đến nay, có trên 270 công dân của xã từ di chuyển từ vùng dịch về. Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, bà con đều gặp nhiều khó khăn, do đó ngay sau khi tiếp nhận công dân về địa phương, chính quyền đã triển khai các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trong thời gian bà con thực hiện cách ly tại nhà. Thông qua các kênh thông tin từ cơ sở, nắm bắt hết các trường hợp đặc biệt khó khăn, từ đó huy động các nguồn hỗ trợ giúp đỡ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn.
“Những hộ cách ly cả gia đình, địa phương vận động người thân thay nhau tiếp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo đời sống hằng ngày. Những trường hợp không có người thân thì địa phương giao trực tiếp cho Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng đảm bảo nhu yếu phẩm cho hộ đang cách ly, không để người dân thiếu thốn trong cuộc chiến chống COVID-19 ngay trên quê hương của mình”, bà La Bế Thủy Trang cho hay.
Ngoài sự hỗ trợ, động viên từ phía chính quyền các cấp, người dân cũng phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, sẵn sàng đùm bọc nhau trong lúc khó khăn, dịch bệnh.
Bà Hoàng Thị Nhung, xã Ea Tam, huyện Krông Năng cho hay, gia đình có ba người con là lao động ở các tỉnh phía Nam vừa trở về quê tránh dịch, để đảm bảo việc cánh ly tại nhà đúng quy định, gia đình đã dành căn nhà cho ba con thực hiện cách ly, còn bản thân được sang nhà bà con láng giềng tạo điều kiện “ở nhờ”.
“Dịch bệnh đã làm đảo lộn cuộc sống của cả gia đình, ngay trong lúc khó khăn, gia đình đã nhận được sự giúp đỡ, đùm bọc của bà con lối xóm, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để giảm bớt phần nào những gánh nặng do dịch bệnh gây ra”, bà Hoàng Thị Nhung xúc động chia sẻ.
Bí thư Huyện ủy Krông Năng Nguyễn Thị Thu An cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, huyện tiếp nhận trên 1.900 công dân trở về từ vùng dịch, việc tiếp nhận công dân được triển khai chu đáo, đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch. Đối với vấn đề đảm bảo an sinh cho công dân khi về địa phương, các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng rà soát, vận động các nhà hảo tâm thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện hỗ trợ kịp thời, sự hỗ trợ dù nhỏ nhưng rất ý nghĩa và ấp áp nghĩa tình để động viên, giúp đỡ kịp thời người dân sau thời gian dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng về cả tâm lý và kinh tế.
"Sau khi dịch bệnh được kiểm soát nếu người dân có nguyện vọng quay lại các tỉnh, thành phố phía Nam làm việc, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện và ưu tiên tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Những công dân có nguyện vọng ở lại địa phương, ngoài chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan, ban ngành nghiên cứu những chính sách hỗ trợ về việc làm, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận việc làm tại địa phương nhằm sớm ổn định cuộc sống", bà Nguyễn Thị Thu An cho hay.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, để đảm bảo công tác an sinh xã hội cho số lượng lớn người lao động trở về địa phương, trước mắt tỉnh đã kiến nghị Chính phủ cấp trên 1.000 tấn gạo để hỗ trợ các địa phương khó khăn. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” huy động, quyên góp từ nhiều nguồn để hỗ trợ công dân về từ vùng dịch lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nhằm góp phần đảm bảo đời sống bà con.
Về lâu dài, để giải quyết, hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho công dân trở về địa phương, Sở đã đề nghị chính quyền các huyện, thị xã, thành phố khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế của công dân để có phương án hỗ trợ. Ngoài số công dân có nhu cầu, điều kiện quay lại các địa phương trước đó để sản xuất thì số công dân ở lại địa phương sẽ được kết nối với các trung tâm đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm và vay vốn từ ngân hàng chính sách để có hướng giải quyết việc làm.