Sẽ có cách làm mới, tiếp cận mới để đẩy mạnh kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Ba Lan sẽ có cách làm mới, tiếp cận mới để đẩy mạnh kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước, phát huy những thế mạnh bổ sung cho nhau về hàng hóa, công nghệ, thương mại, đầu tư.
Chiều 17/1 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Warsaw, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan.
Cùng dự có các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Ba Lan, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Công nghệ Ba Lan Krystof Paszyk; đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đến nay, các cơ chế hợp tác giữa hai nước đã được thiết lập, trong đó lớn nhất đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đi vào thực thi và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đang trong quá trình phê chuẩn.
Mặt khác, Thủ tướng cũng mong muốn Việt Nam là cầu nối, thúc đẩy, gắn kết hợp tác giữa Ba Lan, EU với ASEAN. Việt Nam ủng hộ Ba Lan tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) với ASEAN. Thủ tướng tin tưởng cơ chế hợp tác khu vực này sẽ được hình thành sớm, để đôi bên được hưởng lợi kép, tận dụng, khai thác tối đa.
Thủ tướng nêu rõ, quan hệ chính trị, ngoại giao, tình cảm hữu nghị giữa hai đất nước, mối quan tâm của nhân dân hai nước dành cho nhau rất chân thành, tin cậy. Qua trao đổi trong chuyến thăm lần này, các nhà lãnh đạo Ba Lan đều thể hiện tình cảm đặc biệt quý mến với Việt Nam, giữa hai nước có nhiều điểm chung, hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư chưa tương xứng mối quan hệ chính trị và ngoại giao tốt đẹp, chưa khai thác hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh hai nước.
Thủ tướng cho rằng điều này có một phần trách nhiệm của các nhà lãnh đạo hai nước và việc kết nối hai nền kinh tế sẽ có cách làm mới, tiếp cận mới để đẩy mạnh kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước, phát huy những thế mạnh bổ sung cho nhau về hàng hóa, công nghệ, thương mại, đầu tư.
Các doanh nghiệp phải tăng cường kết nối, thảo luận, làm việc, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển. Còn Chính phủ hai nước có trách nhiệm khắc phục các vướng mắc, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy vai trò dẫn dắt, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.
Chia sẻ về những định hướng chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Việt Nam thực hiện khát vọng, tầm nhìn đến năm 2030 là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao. Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ít nhất 8% và những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong những ngành có hàm lượng khoa học, đổi mới sáng tạo cao hơn.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cải cách tổ chức bộ máy bảo đảm "Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả" gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức; tăng cường phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất để thâm nhập nhiều thị trường khác nhau.
Thủ tướng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước rất phong phú; mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, hợp tác hiệu quả hơn nữa, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào; nỗ lực hết mình cho đất nước Ba Lan và Việt Nam. Thủ tướng mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp Ba Lan hãy tăng cường đến đầu tư tại Việt Nam để đôi bên cùng thắng.