Sẽ có phương án chuyển giao Dong A Bank, GPBank trước Tết
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, hai ngân hàng yếu kém là Dong A Bank, GPBank sẽ có phương án chuyển giao trước Tết Nguyên đán 2025.
Lãi suất huy động dựa theo cung cầu của thị trường
Tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra vào chiều nay (7/1), lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về tình trạng chênh lệch lãi suất tiền gửi tiết kiệm, diễn biến tỷ giá tiền đồng, cơ cấu tổ chức tín dụng và việc xác thực sinh trắc học,…
Với câu hỏi của phóng viên phản ánh có hiện tượng lãi suất tiền gửi tiết kiệm khác nhau giữa các ngân hàng, thậm chí giữa các chi nhánh trong cùng một ngân hàng cũng có sự khác nhau, nhưng không ghi vào sổ tiền gửi mà lại được thông báo riêng qua tin nhắn.
Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - khẳng định, mức lãi suất huy động hiện nay dựa theo cung cầu của thị trường, tuy nhiên phải tuân thủ quy trình nội bộ của ngân hàng và quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thông tư 47 và Thông tư 48 của Ngân hàng Nhà nước quy định, trong trường hợp tổ chức tín dụng nhận tiền gửi của khách hàng phải có quy trình chặt chẽ và hướng dẫn nội bộ. “Với trường hợp như phóng viên phản ánh, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát cụ thể và làm rõ xem tổ chức tín dụng triển khai Thông tư như thế nào, quy trình nội bộ được tuân thủ ra sao” - ông Quang cho hay.
Cũng liên quan đến vấn đề lãi suất huy động, trước đó, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lãi suất huy động bình quân năm 2024 tăng 0,73%/năm so với cuối năm 2023. Còn lãi suất cho vay bình quân giảm 0,59%/năm. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất cho vay trung bình gần 1%/năm so với cuối năm 2023.
“Cuối năm 2024 một số ngân hàng thương mại nhỏ tăng lãi suất huy động để bảo đảm tính thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước vẫn theo dõi nhưng chưa có dấu hiệu phải ngăn chặn. Lãi suất huy động hoàn toàn trong tầm kiểm soát để người gửi tiền không phải chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, tiền không chảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Bên cạnh vấn đề lãi suất, tỷ giá cũng là nội dung được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm. Dự báo về diễn biến tỷ giá tiền đồng Việt Nam trong năm 2025.
Theo đó, nhà điều hành chính sách tiền tệ cho biết, hai quý đầu năm 2024, thị trường ngoại tệ có những biến động, song sau đó đã bình ổn. Tuy nhiên, sau khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, tỷ giá USD đã có nhiều biến động, đến cuối năm 2024, chỉ số USD index tăng đến hơn 7% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, “tiền đồng Việt Nam chỉ biến động 5,03%, mức biến động trung bình thấp so với các nước trong ASEAN và khu vực như: Đồng won Hàn Quốc, yên Nhật, đôla Đài Loan đều mất giá trên 10%” - Phó Thống đốc nói.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ điều phối chính sách tiền tệ để giữ vững ổn định được lãi suất, nhưng đồng thời kiểm soát được tỷ giá tiền đồng.
84,7 triệu tài khoản ngân hàng được xác thực sinh trắc học
Chia sẻ về vấn đề “thời sự” của năm 2024 - sinh trắc học và công nghệ thanh toán, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay đã có 84,7 triệu tài khoản ngân hàng được xác thực sinh trắc học. Những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản đã giảm trên 50% kể từ sau khi ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong thanh toán.
“Nhiều ngân hàng thương mại đã ứng dụng dữ liệu dân cư của Bộ Công an, kết hợp với các chương trình của ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ trong thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống” - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Liên quan đến việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, đến nay tất cả tổ chức tín dụng đang hoạt động tích cực. Hầu hết ngân hàng có lãi và lãi cao hơn so với năm 2023. Các ngân hàng duy trì mức lãi hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp.
“Hầu hết các tổ chức tín dụng thực hiện Đề án tái cơ cấu 2021 - 2025 và đã đạt tiêu chuẩn Basel III trong mục tiêu quản trị. Ngay cả những ngân hàng có quy mô trung bình cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này” - Phó Thống đốc chia sẻ.
Năm 2024 đã có 2 ngân hàng mua bắt buộc đã được chuyển giao thành công là OceanBank và CB, còn lại hai ngân hàng yếu kém đang trình Chính phủ xem xét là Dong A Bank, GPBank. “2 ngân hàng này có thể sẽ có phương án chuyển giao trước Tết Nguyên đán 2025” - ông Tú tiết lộ.
Đồng thời, ông cho biết thêm, riêng Ngân hàng SCB đang được duy trì ổn định, đảm bảo được tiền gửi của người dân, cùng với đó đang tiến hành xử lý các sai phạm, yếu kém của ngân hàng và cá nhân gây ra, nên đang xây dựng phương án tái cơ cấu SCB một cách tích cực.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, năm 2024 ngành ngân hàng cho vay khoảng 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ khoảng 21 triệu tỷ đồng. Mức cung ứng thêm cho nền kinh tế tăng so với dư nợ của năm 2023 là khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Dư nợ hiện nay còn 15,6 triệu tỷ đồng (cuối năm 2023 là 13,6 triệu tỷ đồng). Điều đó thể hiện tỷ trọng vốn tín dụng đưa vào nền kinh tế là rất cao.