Tìm hướng mới để doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với Hoa Kỳ

Hoa Kỳ đang bước sang giai đoạn mới với nhiều điều chỉnh về chính sách kinh tế và đối ngoại, dự báo sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động thương mại – đầu tư toàn cầu.

Tại Hội thảo “Chính sách mới của Hoa Kỳ: Những tác động đến thương mại và đầu tư” do Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam và Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM tổ chức ngày 8/1, ông Kevin Morgan, Chủ tịch HĐQT Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam, cho biết doanh nghiệp Mỹ đang gia tăng đầu tư tại Việt Nam, nhất là lĩnh vực công nghệ cao như vi mạch và bán dẫn.

Hiện Mỹ đang có hơn 1.400 dự án tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD. Riêng tại TP.HCM, quốc gia này xếp thứ 3 trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư, với hơn 1,55 tỷ USD.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1, cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023.

Ông Kevin Morgan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam. (Ảnh: P. Quốc)

Ông Kevin Morgan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam. (Ảnh: P. Quốc)

Mỹ luôn là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với các mặt hàng như điện tử, dệt may, giày dép, và nông sản, đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc, với kim ngạch 2 chiều lên tới 134,6 tỷ USD, tăng 21,5% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 119,6 tỷ USD và nhập khẩu đạt 15 tỷ USD. Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ trong giai đoạn này lên đến hơn 104 tỷ USD.

Trong khi đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của quốc gia này tại khu vực ASEAN, giữ vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam bao gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đón nhận những dòng đầu tư công nghệ cao từ Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực như vi mạch và bán dẫn.

Ông Kevin Morgan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam, cho biết Hoa Kỳ đang bước sang một giai đoạn mới với nhiều điều chỉnh về chính sách kinh tế và đối ngoại, dự báo sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động thương mại – đầu tư toàn cầu.

Các vấn đề liên quan đến thương mại, thuế quan, công nghệ, tài chính và đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hiểu, để nắm bắt được xu hướng, xây dựng kế hoạch phù hợp, đồng thời tăng cường kết nối để thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong tương lai.

Sản phẩm tuân thủ nghiêm các quy định nguồn gốc xuất xứ, sản xuất trong nước sẽ là lợi thế để doanh nghiệp làm ăn ở các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. (Ảnh: H. Linh)

Sản phẩm tuân thủ nghiêm các quy định nguồn gốc xuất xứ, sản xuất trong nước sẽ là lợi thế để doanh nghiệp làm ăn ở các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. (Ảnh: H. Linh)

Các chuyên gia tại hội thảo đã phân tích các tác động có thể có của chính quyền mới tại Hoa Kỳ đối với sự phát triển thương mại Hoa Kỳ – Việt Nam. Những xu hướng thị trường, các chính sách mới này có thể mở ra nhiều cơ hội phát triển sản xuất – kinh doanh, mở rộng xuất khẩu, song cũng tiềm ẩn những rủi ro về chi phí và áp lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp cần được trang bị thông tin mới nhất cùng kinh nghiệm thực tiễn, để linh hoạt hơn, đáp ứng kịp thời các biến động của thị trường và tận dụng hiệu quả cơ hội hợp tác giữa hai nước.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam muốn gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ phải phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu và phân phối tại Mỹ, để nghiên cứu các phương thức thanh toán linh hoạt, chia sẻ rủi ro đặc biệt trong giai đoạn ban đầu.

Cùng với đó, doanh nghiệp Việt phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa và chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào một số đối tác...

TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Indiana (Mỹ), cho rằng Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển quan trọng, khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ mang đến nhiều thách thức. Đầu tiên là câu chuyện hưởng lợi ngắn hạn khi các công ty Trung Quốc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, nhằm tránh các rào cản thương mại quốc tế. Nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm và minh bạch trong các quy định quốc tế thì sẽ tiềm ẩn rủi ro về lâu dài.

TS Huỳnh Thế Du cho rằng Việt Nam cần tránh trở thành "trung tâm trung chuyển" cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt thương mại từ các đối tác lớn của Mỹ và Liên minh châu Âu.

Hà Linh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tim-huong-moi-de-doanh-nghiep-viet-nam-lam-an-voi-hoa-ky-ar919059.html