Sẽ có phương án xử lý những dự án thua lỗ tiền tỷ trong tháng 2/2017
Bộ Công Thương yêu cầu các tổng công ty rà soát lại các phương án xử lý, giải quyết các khó khăn của dự án doanh nghiệp và đề xuất phương án tháo gỡ.
Làm việc với các Tổng cục, Cục, Vụ chuyên ngành và các tổng công ty về việc lập báo cáo tổng thể về 12 dự án yếu kém ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu lãnh đạo các tổng công ty và các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát lại các phương án xử lý, giải quyết các khó khăn tồn tại của dự án, doanh nghiệp và từ đó đề xuất phương án khả thi nhất để báo cáo Ban chỉ đạo Bộ Công Thương.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, trong phương án đề xuất các tổng công ty cần đưa ra các kiến nghị đề xuất tập trung vào cơ chế tài chính, tiền tệ, cơ chế giải pháp về thị trường; cơ chế giải pháp về quản trị doanh nghiệp. Hoàn thành báo cáo và gửi về Bộ Công Thương chậm nhất ngày 4/2/2017.
Ngoài ra, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức đối với các dự án.
Khi tổ chức kiểm điểm đề nghị tập đoàn tổng công ty mời thêm thành phần Ban Nội chính - Văn phòng Chính phủ, Tổng cục, Cục, Vụ chuyên ngành, Vụ tổ chức cán bộ và thanh tra Bộ. Hoàn thành và báo cáo Bộ Công Thương ngay trong tháng 2/2017.
Với Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Thứ trưởng Vượng yêu cầu phải chủ trì, phối hợp với các Tổng cục, Cục, Vụ chuyên ngành lập báo cáo tổng thể về 12 dự án báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương trước ngày 10/2/2017.
Nội dung trong báo cáo phải chi tiết từng vấn đề gồm: Báo cáo tài chính theo từng dự án cụ thể, bao gồm các nội dung chính, khái quát chung về dự án; các khó khăn, tồn tại hiện nay; phương án xử lý và phân tích lý do đề xuất phương án; các kiến nghị.
Trước đó tại cuộc họp chiều 20/12 của Chính phủ với lãnh đạo một số bộ ngành, Ban chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương đã bổ sung thêm 7 dự án thua lỗ, doanh nghiệp yếu kém nâng số doanh nghiệp yếu kém, dự án thua lỗ lên con số 12.
Tại cuộc họp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tinh thần việc xử lý các nhà máy, dự án này phải quán triệt chủ trương, các quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết số 05, Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII là: “Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường”.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo nghiên cứu các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
“Do vậy, tinh thần xử lý các dự án, nhà máy này là phải rất quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ, đồng lòng, hợp sức, bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án, doanh nghiệp này”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trong số 12 dự án được “điểm danh”, thì có tới 4 dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đó là dự án đạm Ninh Bình, dự án đạm Hà Bắc, dự án DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai.
Tương tự, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “đóng góp” tới 5 dự án trong danh sách này đó là: Dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng, dự án nhiên liệu sinh học - ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước, đóng tàu Dung Quất.
Ngoài ra trong danh sách 12 dự án yếu kém ngành Công Thương còn có dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.