Sẽ có quy định để thanh toán tiền thuốc mua ngoài cho bệnh nhân

Trong phiên chất vấn sáng 8/11, các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến lĩnh vực thông tin truyền thông, lao động, y tế, khoa học công nghệ…

Giảm bớt tỷ lệ sử dụng tiền túi của bệnh nhân khi khám chữa bệnh

Trong phiên họp sáng 8/11, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về giải pháp thanh toán bảo hiểm cho bệnh nhân khi họ phải mua thuốc ở bên ngoài. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) chất vấn về giải pháp giảm bớt tỷ lệ sử dụng tiền túi của bệnh nhân khi thực hiện dịch vụ y tế.

Trả lời đại biểu Dương Khắc Mai, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay về việc thanh toán cho người bên khi phải ra ngoài mua thuốc khi cơ sở y tế không đủ thuốc cung ứng, Bộ trưởng đã có chỉ đạo cụ thể. Ngay chiều qua, Bộ Y tế đã họp bàn về những nội dung này để có phương án cụ thể. Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo triển khai để khi có dự thảo chính thức sẽ xin ý kiến các bộ ngành địa phương.

Theo Bộ trưởng, cần quy định cụ thể điều kiện để người bệnh được thanh toán bảo hiểm, nhưng cũng tránh lạm dụng, do đó đòi hỏi các quy định pháp lý phải chặt chẽ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Đối với chất vấn của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan về giảm chi phí điều trị cho người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định đây là vấn đề được ngành y tế rất quan tâm. Để giảm tiền túi của người dân trong khám chữa bệnh, cần tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng, bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân…

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, mô hình bệnh tật ở nước ta đã thay đổi rất nhiều, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, trong khi đó nhiều người có bệnh rồi mới đi khám, khiến chi phí khám chữa bệnh rất cao và hiệu quả chăm sóc y tế kém. Vì vậy, bên cạnh tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm, cũng cần tăng cường nhận thức của người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tăng cường độ bao phủ của các chính sách bảo hiểm y tế.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tiền túi của người dân phải bỏ ra cho công tác chăm sóc y tế nếu đạt mức 30%, đó mới là hệ thống y tế bền vững, Bộ trưởng cho hay.

Thay đổi cơ cấu nguồn thu của cơ quan báo chí

Quan tâm đến hoạt động của các cơ quan báo chí, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng về việc khi nào hoàn thành sửa toàn diện các quy định điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với các cơ quan báo chí?

Về lâu dài cần những chính sách đột phá gì để các cơ quan báo chí vừa làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách vừa đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân. Đại biểu cũng gửi câu hỏi này tới Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây báo chí nguồn thu 100% dựa trên quảng cáo, nên chưa quan tâm nhiều đến vấn đề đặt hàng… “Tuy nhiên, khi truyền thông xã hội tham gia đã lấy đi 70% nguồn thu đó của các cơ quan báo chí. Khi ấy, các cơ quan báo chí mới bắt tay vào công tác đặt hàng lại gặp những vướng mắc khó khăn, có liên quan đến 3 Thông tư mà Bộ TT&TT đã ban hành trước đây liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải thích.

Nhận trách nhiệm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho biết vừa qua Bộ đã chủ động làm việc với các cơ quan báo chí, các cơ quan của Bộ để tìm hướng giải quyết. Trước mắt, Bộ TT&TT sẽ sửa 3 Thông tư này theo hướng ban hành hướng dẫn các cơ quan báo chí chủ động xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi các nội dung liên quan đến Nghị định 60 để đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của cơ quan báo chí. Trong đó tăng cường đặt hàng, phát triển sản phẩm báo chí chất lượng cao có thu phí.

Gỡ vướng cho các nhà khoa học khi thanh, quyết toán

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến thanh quyết toán, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, việc chi tiêu thanh quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải tuân thủ Luật Kế toán, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Luật Đấu thầu.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học Công nghệ đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 27 liên quan đến khoán chi, nghiên cứu kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 95, đề xuất các quan điểm nhằm giải quyết căn cốt các nội dung này trong đề xuất sửa đổi Luật Khoa học công nghệ trình Quốc hội trong thời gian sắp tới.

Thời gian qua, dù đã có thông tư liên tịch quy định về việc khoán chi trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, qua đó đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước, nhưng trách nhiệm kiểm soát chi lại giao cho các đơn vị quản lý kinh phí của các bộ, các ngành, đơn vị chủ trì.

Nhà khoa học vẫn phải hoàn thiện các chứng từ hợp pháp cho các nội dung thanh toán, phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu, mua sắm, phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng NSNN. Đó là nguyên nhân dẫn đến có lúc, hồ sơ thanh toán, quyết toán lại nhiều hơn hồ sơ khoa học của nhiệm vụ khoa học.

Bộ trưởng cho biết, về bản chất, trong khi hiệu quả hoạt động nghiên cứu có độ trễ, chưa được chứng minh ngay, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ còn có nhiều yếu tố vô hình, khó lượng hóa, đánh giá rõ ràng thông qua các chỉ tiêu kỹ thuật. Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan nhà nước khi xem xét hiệu quả sử dụng NSNN vẫn gắn với việc kiểm soát tính đầy đủ của chứng từ chi tiêu.

Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập này, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ cần được áp dụng các cơ chế đặc thù hơn so với các nhiệm vụ chi khác từ NSNN. Qua đó, có thể có cơ chế tài chính đơn giản hóa để gỡ vướng cho các nhà khoa học trong việc thực hiện thanh toán, quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ của mình./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/se-co-quy-dinh-de-thanh-toan-tien-thuoc-mua-ngoai-cho-benh-nhan-139086.html