Sẽ điều chuyển vốn các dự án không đảm bảo tiến độ giải ngân
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tại hội nghị đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tổ chức vào hôm nay 27/7/2021. Các phó chủ tịch UBND tỉnh: Hoàng Nam, Lê Đức Tiến tham dự hội nghị.
Xây dựng phần mềm để công khai đơn vị làm chậm
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, thì tồn tại lớn nhất là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công quá chậm. Việc tỉ lệ giải ngân các nguồn vốn trung ương và địa phương thấp ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các dự án phục vụ an sinh xã hội. Ngoài những nguyên nhân chủ quan, khách quan mà các đơn vị đã giải trình, cần phải thẳng thắn nhìn nhận năng lực để tổ chức thực hiện quản lý dự án cũng như khả năng giải ngân vốn đầu tư công của các sở, ban, ngành, địa phương còn hạn chế, cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương rà soát lại tiến độ các dự án chậm giải ngân, báo cáo với Sở Kế hoạch và Đầu tư những vấn đề vướng mắc để trình UBND tỉnh sớm giải quyết. Cần phải gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, coi đó là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua khen thưởng cũng như là cơ sở để bố trí các nguồn vốn tiếp theo.
Các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp giải quyết “điểm nghẽn” trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Cần phân loại dự án, đối với 8 dự án có thời hạn đến 31/7/2021 chưa đảm bảo giải ngân đúng tiến độ, các chủ đầu tư rà soát lại, đánh giá thực sự năng lực có giải ngân được không để kịp thời đề xuất UBND tỉnh điều chuyển vốn cho đơn vị có năng lực thực hiện. Đối với các dự án có nguồn ngân sách trung ương, đầu tư công trung hạn dự kiến bố trí vốn trong năm 2022, yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần rút kinh nghiệm để chuẩn bị sớm các thủ tục, hồ sơ.
Để việc thực hiện các dự án đạt kết quả tốt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải chấn chỉnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong quản lý nhà nước, thẩm định hồ sơ, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án. Giao nhiệm vụ cho Văn phòng UBND tỉnh tham mưu thành lập tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh để cùng các địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện các dự án, cập nhật tình hình, tổng hợp các ý kiến đề xuất của các sở, ngành, địa phương để báo cáo UBND tỉnh giải quyết kịp thời. Cần xây dựng phần mềm thông tin công khai các đơn vị làm chậm, làm muộn để theo dõi sát sao tiến độ thực hiện các dự án, đảm bảo công khai, minh bạch trong giải ngân vốn đầu tư công.
Tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 28% kế hoạch UBND tỉnh phân bổ
Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 26/7/2021, tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn đầu tư công là 773,171 tỉ đồng, đạt 28% kế hoạch được UBND tỉnh phân bổ và đạt 21% kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 303,213 tỉ đồng, đạt 23,6% kế hoạch UBND tỉnh phân bổ và đạt 20,7% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Vốn ngân sách trung ương là 469,958 tỉ đồng, đạt 32,3% kế hoạch UBND tỉnh phân bổ và đạt 21,6% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Có 21 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 25% và 8 dự án chưa giải ngân.
Giải trình về các dự án chậm tiến độ giải ngân, đại diện các sở, ngành, địa phương đã nêu nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đó là ảnh hưởng của COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp không thể huy động đủ lực lượng công nhân hoặc không thể tiếp tục thi công, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, một số dự án có số vốn năm 2020 kéo dài lớn, thực hiện giải ngân song song với việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2021. Một số dự án gặp khó khăn trong thực thi theo quy định pháp luật nên không thể triển khai thi công, giải ngân nguồn vốn bố trí. Tâm lý ngại giải ngân, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu mà chủ yếu tập trung thực hiện vào thời điểm cuối năm. Cơ chế, thủ tục quản lý, thực hiện, thanh toán của các dự án ODA rất phức tạp, phụ thuộc rất lớn vào nhà tài trợ làm cho các chủ đầu tư bị động, lúng túng trong triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn được giao. Kế hoạch giao bao gồm phần vốn kết dư của dự án nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép dẫn đến vốn nước ngoài không thể giải ngân...
Đại diện các sở, ngành, địa phương cũng bày tỏ quyết tâm nỗ lực giải quyết những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả.