Sẽ điều hành nông nghiệp ở ĐBSCL bằng dữ liệu số
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số sẽ làm bật dậy sức sống của ĐBSCL.
Ngày 18-2, tại Cần Thơ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT có buổi làm việc với giám đốc sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề xuất việc điều hành nông nghiệp ở ĐBSCL bằng dữ liệu số. Ông cho rằng ngành nông nghiệp đang ở trong thời kỳ của cuộc cách mạng 4.0 chứ không phải nông nghiệp truyền thống. Đó là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số. Chính những giá trị mới đó mới làm bật dậy sức sống của đồng bằng.
Ông Hoan nhấn mạnh: “Nếu chuyển đổi số nông nghiệp cả nước sẽ loay hoay, từng vùng thì tôi sẽ cố gắng tìm kiếm nhà tài trợ để chuyển đổi số trong nông nghiệp của ĐBSCL. Vì đây là vựa lúa cả nước, để lãnh đạo của ĐBSCL hiểu hết bức tranh toàn cảnh, có thể trong một thời điểm nào đó lúa là bao nhiêu, cá bao nhiêu, cây ăn quả bao nhiêu. Làm sao có dữ liệu số về nông nghiệp để trong một mùa vụ chúng ta cân đối, đưa ra khuyến cáo, đưa ra một chính sách gì đó chứ không phải để tới lúc thu hoạch rồi quá nhiều mới đi giải cứu”.
Đồng thời, ông Hoan cho rằng thông tin rất quan trọng, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành, tỉnh nào biết tỉnh đó, huyện nào biết huyện đó mà không biết toàn vùng ra sao. Từ đó, ông đề xuất lập nhóm Zalo giám đốc Sở NN&PTNT của 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL để chia sẻ thông tin, sáng kiến. Lãnh đạo bộ và các cục, vụ, viện của bộ cũng tham gia vào nhóm Zalo này để chia sẻ hằng ngày.
“Một năm chúng ta tổ chức một hội nghị, nhiều khi ngọt cũng ngọt rồi, mặn cũng mặn rồi, hạn cũng hạn rồi, làm sao hằng ngày mình phải thích ứng nhanh nhạy với diễn biến. Tôi nghĩ khi lập được nhóm đó thì tự động các đồng chí sẽ có thói quen có gì hay quăng lên đó, anh em cùng chia sẻ nhau… Nên tạo thói quen chia sẻ chứ đừng lủi thủi một mình” - Thứ trưởng Hoan kết lại.
Tại cuộc làm việc, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam có báo cáo dự báo nguồn nước xâm nhập mặn và đề xuất giải pháp chống hạn mặn mùa khô năm 2021. Trình bày ba vấn đề thách thức ảnh hưởng đến ĐBSCL là nguồn nước thượng nguồn, về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và vấn đề sụt lún.
Từ ba yếu tố đó, ĐBSCL có những thách thức lớn như sụt lún, lũ lớn ít có, lượng phù sa giảm, mặn xảy ra rõ rệt. Theo dự báo của viện này, thời điểm mặn xâm nhập cao nhất mùa khô 2020-2021 là cuối tháng 2, đầu tháng 3. Tỉnh Kiên Giang ảnh hưởng biển Tây thì mặn sẽ tầm cuối tháng 3, đầu tháng 4. Hạn mặn năm nay tương đương năm 2016, mặn vào sâu 60 km…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Giá lúa năm nay rất cao, 6.000-6.500 đồng/kg, kể cả lúa 504 (IR50404). Vụ đông xuân này lúa tiêu thụ tốt nhưng giá lúa cao quá, cao hơn Ấn Độ và các nước nên các doanh nghiệp đang chờ tháng 3, tháng 4 xem như thế nào để mua vào. Cơ cấu năm nay giống lúa 504 có 11% nhưng giờ này 504 không đủ để bán. Do không đủ nên nhiều doanh nghiệp đã nhập tấm và 504 của Ấn Độ”.
Từ đó, ông Nam lưu ý cơ cấu giống lúa phù hợp thị trường từng vùng và các địa phương chuẩn bị vụ hè thu, hướng dẫn để bà con xuống giống cho phù hợp, tránh tình trạng thấy vụ đông xuân trúng mùa, được giá thì hè thu lại đổ xô vào trồng có khi lại không hiệu quả.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/se-dieu-hanh-nong-nghiep-o-dbscl-bang-du-lieu-so-967912.html