Sẽ giao dự án, giao tiền cho địa phương và để địa phương quyết
Theo tinh thần của Bộ Chính trị, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chúng ta phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương, 'địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm'.
Chiều 7/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Cần có danh mục cụ thể về các lĩnh vực phân quyền cho địa phương
Góp ý vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu thống nhất cao với việc cần sửa đổi luật, đặc biệt là việc định hướng xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh, cấp xã) nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là một bước đi phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển.
Cơ bản đồng tình với các nội dung của dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị tại khoản 1, Điều 11 về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương cân nhắc thay thế cụm từ “cơ quan nhà nước ở trung ương” thành cụm từ “cấp có thẩm quyền ở trung ương”; thay thế cụm từ “cơ quan nhà nước ở địa phương” bằng cụm từ “cấp có thẩm quyền ở địa phương”.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại phiên thảo luận.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho rằng quy định như vậy sẽ “bao quát được đầy đủ về thẩm quyền của tập thể hoặc cá nhân có thẩm quyền ở trung ương và địa phương, ví dụ như Thủ tướng, Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, UBND và Chủ tịch UBND.
Tại khoản 1, Điều 39 về cơ cấu tổ chức của UBND, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị chỉnh lý theo hướng: quy định rõ về các ủy viên gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên là những người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách Công an và một số Ủy viên theo quy định của Chính phủ. "Quy định như vậy để thống nhất về thành phần thuộc cơ cấu của UBND, đảm bảo sự tham gia đầy đủ, toàn diện của các thành phần cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương" - Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nêu rõ.
Góp ý cụ thể về chức năng giám sát của HĐND (Điều 5, Điều 15, Điều 21), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng khoản 1 Điều 5 quy định HĐND giám sát hoạt động của "các cơ quan nhà nước ở địa phương", trong khi Điều 15 (cấp tỉnh) và Điều 21 (cấp xã) lại liệt kê cụ thể các cơ quan thuộc đối tượng giám sát. Sự thiếu thống nhất này có thể gây khó khăn trong việc xác định phạm vi giám sát. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý khoản 1 Điều 5 để đảm bảo tính bao quát, đầy đủ và thống nhất với phạm vi giám sát được quy định cụ thể tại Điều 15, Điều 21.

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) phát biểu tại phiên họp.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND (Điều 31), đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định Thường trực HĐND phê chuẩn danh sách và cho thôi làm Phó Trưởng ban chuyên trách. Đây là chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (đối với cấp tỉnh). Việc phê chuẩn chỉ bởi Thường trực HĐND là chưa phù hợp với quy trình công tác cán bộ và nguyên tắc hoạt động tập thể, quyết định theo đa số của HĐND. Đại biểu đề nghị nghiên cứu lại quy định này, có thể quy định chức danh Phó Trưởng ban chuyên trách do HĐND bầu hoặc theo quy trình chặt chẽ hơn, phù hợp với quy định về công tác cán bộ.
Về cách chức Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND (Điều 41), đại biểu đề nghị bổ sung các hình thức "tạm đình chỉ công tác", "đình chỉ công tác" vào khoản 2 Điều 41 nêu trên để đảm bảo tính đầy đủ và linh hoạt trong xử lý vi phạm theo quy định. Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ, cách chức Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ, cách chức Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND cấp xã khi Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao vì trong thực tiễn công tác cán bộ, trước khi đi đến quyết định cách chức, thường có các bước xử lý như tạm đình chỉ công tác để xem xét, kiểm tra hoặc đình chỉ công tác khi có vi phạm rõ ràng. Việc chỉ quy định "cách chức" là chưa đầy đủ các biện pháp xử lý cần thiết.
Phân quyền, phân tiền cho địa phương để tự làm, tự chịu trách nhiệm
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc sửa luật để phục vụ cho giai đoạn 2 thực hiện tinh gọn tổ chức, bộ máy, không tổ chức cấp huyện, dự kiến còn 34 tỉnh, thành phố. Nếu được Quốc hội thông qua, sẽ kết thúc hoạt động của 694 đơn vị cấp huyện. Đối với cấp xã, theo chủ trương giảm 60-70% thì dự kiến còn 3.320 xã. “Để quyết định việc này, Chính phủ phải trình qua Thường vụ Quốc hội, Thường vụ sẽ họp một số phiên để có kết luận chính thức” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện nay, cử tri đang mong kỳ họp này tinh gọn bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Lâu nay, chúng ta nói bộ máy cồng kềnh, ngày càng phình ra. Trung ương khóa nào cũng nói phải tinh gọn bộ máy nhưng mới giảm cơ học. “Lần này, tiếp tục mạnh mẽ thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18. Đây là chủ trương ý Đảng, hợp lòng dân. Muốn làm được phải sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, chúng ta đã lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, công khai lấy ý kiến nhân dân từ 6/5 đến 5/6/2025, tổng hợp 5 ngày, tổng cộng 35 ngày, sửa 8/120 điều của Hiến pháp” - Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ.
Về phân cấp, phân quyền cho địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chúng ta đã sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đã phân cấp khá mạnh cho địa phương. “Theo tinh thần của Bộ Chính trị, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đã thống nhất phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương, “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Theo đó, sẽ giao dự án, giao tiền cho địa phương và để địa phương quyết chứ không phải báo lên Trung ương” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đồng thời, nhấn mạnh, phân cấp về địa phương thì dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo điều hành của UBND, giám sát của HĐND để làm sao giải ngân cho nhanh, cho đúng vì hiện nay nhiều địa phương tiền có nhưng không giải ngân được vì vướng thủ tục. Bên cạnh đó, tới đây, sẽ sửa Luật Ngân sách nhà nước để tiếp tục phân cấp cho địa phương quản lý, sử dụng tiền.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc miễn học phí cho học sinh, miễn tiền khám sức khỏe cho người dân để đảm bảo mỗi năm người dân có thể đi khám bệnh miễn phí 1 lần. “Miễn học phí cho các cấp học thì khoảng 30 nghìn tỷ, miễn khám chữa bệnh khoảng 25 nghìn tỷ. Vì vậy, Thường vụ Quốc hội đã tính chi li để sửa đổi Hiến pháp, khi được Quốc hội thông qua sẽ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện, dành nguồn lực cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc sử dụng trụ sở, cơ sở vật chất của các đơn vị sau khi sắp xếp tổ chức, bộ máy, ưu tiên sử dụng các trụ sở này vào mục đích phục vụ giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí cho người dân, không được để lãng phí. “Có tỉnh xây dựng trụ sở rất đàng hoàng, bài bản nhưng nếu về tỉnh mới thì chỗ đó làm gì? chỗ đó phải bố trí trường học, cơ sở khám chữa bệnh hoặc nơi cho người dân vui chơi. Người già có chỗ đánh cờ, trẻ con có chỗ học tập…”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Đồng thời, đề nghị các đại biểu, các Tổ cần có ý kiến cụ thể, rõ từng câu, từng chữ gửi cho Ban soạn thảo, đặc biệt là các đại biểu ở địa phương cần xem những điều gì cản trở, ách tắc ở địa phương thì có ý kiến với cơ quan chức năng. Việc sửa luật phải phù hợp tinh gọn bộ máy, sắp xếp theo tinh thần các nghị định 177, 178, 179 của Chính phủ; các kết luận, nghị quyết của Trung ương...