Sẽ khoan những mét hầm đầu tiên Metro Nhổn-Ga Hà Nội vào ngày 30/7

Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội sẽ được nhà thầu vận hành robot đào hầm từ Ga S9-Kim Mã đến Ga Hà Nội vào ngày 30/7 tới đây.

Robot TMB số 1 “Thần tốc" đã sẵn sàng khoan hầm Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội vào ngày 30/7 tới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Robot TMB số 1 “Thần tốc" đã sẵn sàng khoan hầm Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội vào ngày 30/7 tới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hai máy đào hầm TBM tại Dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn-Ga Hà Nội (Metro Nhổn-Ga Hà Nội) do Công ty cổ phần FECON - nhà thầu phụ trách vận hành robot đào hầm sẽ chính thức khởi động để khoan những mét hầm đầu tiên vào ngày 30/7 tới đây.

Theo kế hoạch, FECON sẽ điều khiển máy TBM số 1 có tên “Thần tốc" bắt đầu khoan từ Ga S9-Kim Mã tại độ sâu 17,8m. Sau một thời gian vận hành TBM số 1, TBM số 2 có tên “Táo bạo" sẽ bắt đầu quá trình khoan hầm.

Mỗi ngày, robot TBM sẽ khoan được khoảng 10m, khoan đến đâu lắp vỏ hầm đến đấy. Khối lượng phế thải trong quá trình đào hầm sẽ được tập kết và đưa ra khỏi công trường.

Khẳng định công nghệ thi công hầm bằng máy TBM tại tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội là công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FECON đánh giá với việc sử dụng dòng máy cân bằng áp lực rất phù hợp với điều kiện địa chất tại Hà Nội.

“Địa chất Hà Nội có nhiều loại đất hỗn hợp và tuyến hầm chủ yếu đi trong lớp địa chất đất sét pha, phức tạp hơn so với đất sét bùn như dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án Metro Nhổn-Ga Hà Nội cũng thi công đoạn đi ngầm với chiều dài lớn hơn nhiều so với tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên,” ông Bảo nói.

Để chuẩn bị cho việc vận hành robot TBM tại Metro Nhổn-Ga Hà Nội, trong những năm qua, FECON liên tục cử nhân sự chủ chốt tham gia đào tạo tại nước ngoài dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia hàng đầu của Hiệp hội Công trình ngầm thế giới.

Tổng số nhân sự cho công tác thi công là hơn 150 người, trong đó những công tác chính như vận hành máy TBM, vận hành cánh tay robot lắp vỏ hầm, thay đầu cắt…, FECON bố trí nhân sự dày dặn kinh nghiệm người nước ngoài phối hợp cùng các kỹ sư có kinh nghiệm từ dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên trực tiếp thực hiện.

Đặc biệt, các công tác vận hành, bảo dưỡng các hệ thống phụ trợ của TBM đều được thực hiện bởi những nhân sự người Việt Nam, vốn đã rất am hiểu về thiết bị và máy TBM trong suốt giai đoạn vừa qua.

“Bên cạnh kinh nghiệm đã tích lũy và học hỏi từ dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên, FECON có sự hỗ trợ của thi công, kỹ thuật từ phía đội chuyên gia của Tunnel Pro (Italy) và đội ngũ chuyên gia từ Hiệp hội Công trình ngầm quốc tế. Tất cả đội ngũ chuyên gia này đều theo dõi dự án rất sát sao, giúp dự án triển khai thuận lợi hơn,” ông Bảo chia sẻ.

Từ năm 2017 đến nay, FECON đã trở thành nhà thầu phụ đảm nhận hầu hết các hạng mục ngầm tại Metro Nhổn-Ga Hà Nội như vận hành máy khoan hầm TBM, đào và lắp vỏ hầm; cung cấp các thiết bị và vật tư phục vụ cho công tác khoan hầm; thiết kế và thi công tường chắn tại khu vực dốc hạ ngầm; thi công tường vây cho các Ga ngầm S9, S10 và S11; thi công xử lý nền bằng công nghệ khoan phụt vữa áp lực cao đường kính lớn…/.

Dự kiến, cuối tháng 7/2024 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội.

Hiện các cơ quan gồm Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; tổ chức kiểm tra hiện trường, rà soát các điều kiện nghiệm thu; hoàn thiện thủ tục và ký kết phân bổ vốn vay cho đoạn đi ngầm; thành lập hội đồng thẩm định cấp giấy phép môi trường.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/se-khoan-nhung-met-ham-dau-tien-metro-nhon-ga-ha-noi-vao-ngay-307-post966794.vnp