Sẽ không có xung đột lợi ích nhóm trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông

Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông vừa chính thức được Bộ GD-ĐT khởi động và sẽ kết thúc vào tháng 12.2020 với kinh phí thực hiện dự án lên tới 80 triệu USD.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã được bầu làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã được bầu làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã được bầu làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT). Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với giáo sư về những dự án cũng như mục tiêu của dự án đổi mới giáo dục phổ thông đang là mối quan tâm hàng đầu của dư luận.

Thưa giáo sư, giáo dục tại Việt Nam đã có rất nhiều cuộc cải cách khác nhau, tuy nhiên ngành giáo dục vẫn bị đánh giá là còn rất nhiều bất cập. Với dự án cải cách giáo dục phổ thông lần này, giáo sư hy vọng gì về sự đổi mới?

Ngành giáo dục tại nước ta đã trải qua vài lần cải cách, tuy nhiên đúng là vẫn còn tồn tại một số nhược điểm lớn. Chương trình đổi mới GDPT lần này của Bộ GD-ĐT chính là kế thừa những dự thảo của năm 2016 như phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh và đề cao sự sáng tạo của chính học sinh. Sự sáng tạo của học sinh ở giai đoạn phổ thông cực kỳ quan trọng, nếu ngành giáo dục không chú ý phát triển giai đoạn này thì chúng ta sẽ đi theo lối mòn thực hiện nền giáo dục "đồng phục", khó có sự phát triển.

Mục tiêu của nền giáo dục không phải là đào tạo hàng loạt con người giống nhau như những con robot, mà chính là khơi dậy năng lực tiềm tàng ở mỗi cá nhân, để mỗi người trở thành chính mình, thể hiện cá tính, năng lực khi tiếp thu kiến thức. Từ những cá nhân xuất sắc đó mới xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao để phát triển xã hội. Đó cũng là mục tiêu kép, mà nền tảng là giáo dục cá nhân sẽ được nâng lên ở chương trình giáo dục.

Yếu tố quan trọng quyết định thành công của đổi mới giáo dục là giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, gọi chung là nhà giáo. Vậy ở dự án đổi mới GDPT mới, yếu tố này có được chú ý đến?

Để nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ này trước hết phải quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Chương trình và phương pháp tổ chức đào tạo ở trường sư phạm phải thay đổi. Phải gắn kết chặt chẽ trường sư phạm với trường phổ thông, ít nhất cũng như mức độ gắn kết giữa trường y với bệnh viện, để sinh viên có điều kiện vừa học vừa làm. Công tác bồi dưỡng thường xuyên đối với nhà giáo cũng cần được cải tiến để có hiệu quả rõ rệt hơn.

Bên cạnh đó, cần giải quyết thỏa đáng vấn đề tăng thu nhập thực tế cho nhà giáo. Cần xây dựng cơ chế trả lương theo khối lượng và chất lượng công việc để những người có năng lực toàn tâm toàn ý với nghề, có thể sống được bằng nghề.

Nguyên nhân sâu xa nhất hạn chế chất lượng giáo dục của nước ta là nền kinh tế và thị trường lao động chưa tạo được sức hấp dẫn và áp lực buộc giáo dục phải thay đổi. Cho nên, muốn cải thiện chất lượng giáo dục thì Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách kinh tế và đổi mới chính sách tuyển dụng, sử dụng cán bộ; đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, nhân ái; tạo môi trường xã hội tích cực để hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp cho tuổi trẻ học đường.

Theo dự án đổi mới GDPT này, cấp tiểu học và THCS thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp; còn THPT thực hiện giáo dục phân hóa, tự chọn

Dự án đổi mới GDPT lần này được chia thành những giai đoạn hay thành phần như thế nào, thưa giáo sư?

Dự án đổi mới GDPT lần này gồm có 4 thành phần, trong đó thành phần “Hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới” chiếm 25% kinh phí. Thành phần “Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông” chiếm gần 50% kinh phí. Hai thành phần còn lại là “Hỗ trợ phát triển chương trình” và “Quản lý dự án”.

Ngoài ra, dự án cũng dự kiến cung cấp 50.000 bộ sách giáo khoa (từ lớp 1 đến lớp 12) cho học sinh thuộc hộ gia đình nghèo và học sinh một số trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bằng dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt, để những học sinh này được mượn, sử dụng trong năm học.

Vậy các học sinh sau khi trải qua giáo dục phổ thông sẽ có những phẩm chất như thế nào trong sự phát triển xã hội?

Chương trình GDPT mới phải bảo đảm sự kết nối chặt chẽ giữa các cấp học, lớp học, kế thừa, phát triển các chương trình giáo dục phổ thông đã có và tiếp thu có chọn lọc chương trình giáo dục phổ thông của các nước có nền giáo dục phát triển. Chương trình GDPT mới cũng cần đảm bảo sự liên thông với giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Theo dự thảo mới, cấp tiểu học và THCS thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp; còn THPT thực hiện giáo dục phân hóa, tự chọn. Trừ lớp 10 là lớp dự hướng, phải học đầy đủ các môn, từ lớp 11, học sinh được chọn học những môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp và sở thích, sở trường của mình. Chương trình phải lấy người học làm trung tâm, tích cực hóa hoạt động học tập, kết hợp giáo dục ở nhà trường với giáo dục tại gia đình và ngoài xã hội, đảm bảo chương trình mở.

Khi học sinh học tới cấp THPT thì đã trưởng thành sớm hơn thế hệ trước, học hết 11 năm tức là đã 17 tuổi. Ở tuổi này, thanh niên đã có nhận thức xã hội tốt và làm việc được. Đây cũng là lứa tuổi tâm sinh lý phát triển và phải chịu trách nhiệm về các hành vi. Thực tế các trường trung học hiện cũng chỉ dạy đến 11 năm, vì sau lớp 11, học sinh chỉ học các môn thi đại học. Chúng ta cũng cần nhìn nhận lại việc các thế hệ trước đây học 11 năm, thậm chí thế hệ kháng chiến chỉ 10 năm nhưng vẫn sản sinh ra rất nhiều giáo sư, tiến sĩ giỏi.

Vậy trong dự án đổi mới GDPT lần này liệu có sự xung đột lợi ích trong quá trình xây dựng chương trình?

Tôi hiểu bạn đang đề cập tới vấn đề nào, chúng tôi cũng đã tính đến các vấn đề lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng. Để hoàn thành được đề án này, các cán bộ công chức gồm 58 người tham gia vào Ban soạn thảo chương trình và môn học không phải là cán bộ của Bộ GD-ĐT. Những người đứng đầu và các cấp phó của các cơ quan quản lý giáo dục như bộ, sở, hiệu trưởng, hiệu phó các trường cũng không được tham gia soạn thảo chương trình.

Những người trong Ban soạn thảo được tuyển lựa trên toàn quốc từ các trường sư phạm, các sở giáo dục. Sau khi có danh sách Bộ GD-ĐT sẽ rà soát và gửi sang phía Ngân hàng Nhà nước để tuyển lựa, phỏng vấn trực tiếp từng ứng viên qua rất nhiều vòng. Quy trình xây dựng chương trình được làm theo cách hoàn toàn mới so với trước đây. Đặc biệt, công tác thử nghiệm sẽ được tiến hành thận trọng trên các nhóm nhỏ học sinh. Dự kiến cuối tháng 1.2017 mới chọn xong chủ biên các chương trình môn học và cuối tháng 2.2017 mới chọn xong những thành viên còn lại của các ban xây dựng chương trình môn học.

Cảm ơn giáo sư về những chia sẻ!

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/se-khong-co-xung-dot-loi-ich-nhom-trong-qua-trinh-doi-moi-giao-duc-pho-thong-54856.html