Sẽ không còn các thành phố, thị xã thuộc tỉnh
Theo ước tính ban đầu, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, toàn quốc sẽ giảm từ 10.035 xã phường xuống còn khoảng 3.300 đơn vị; sẽ không giữ lại tên thành phố, thị xã thuộc tỉnh.
Cả nước dự kiến còn 3.300 xã, phường
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết: "Đến nay, các địa phương đã hoàn thành đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh gửi về Bộ để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, 20 địa phương đã nộp hồ sơ đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Theo chủ trương thống nhất của Trung ương về tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cả nước dự kiến sẽ giảm 60-70% số lượng xã, phường so với hiện nay. Bước đầu chúng tôi ước tính sau khi sáp nhập, toàn quốc sẽ còn khoảng 3.300 xã, phường, đặc khu. Tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư là cấp xã phải gần dân, sát dân, do đó quy mô sau sáp nhập không được quá lớn”.
Ông Tuấn nhấn mạnh, tùy tình hình thực tế, có địa phương giảm nhiều (sáp nhập 6-7 đơn vị nhỏ thành một), có địa phương giảm ít hơn (sáp nhập 2-3 đơn vị rộng thành một), nhưng toàn quốc phải đảm bảo mục tiêu giảm 60-70%.

Cả nước dự kiến còn 3.300 xã phường sau sắp xếp.
Thường vụ Tỉnh ủy có thể làm Bí thư xã, phường
Ông Phan Trung Tuấn cho biết, khi bỏ cấp huyện, số lượng lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức của cấp huyện cơ bản sẽ chuyển về xã phường mới. Nhiệm vụ của cấp huyện cũng gần như được chuyển về cấp xã, một số ít chuyển lên tỉnh. “Các giám đốc sở, tỉnh ủy viên, thành ủy viên có thể được bố trí làm bí thư xã, phường. Đặc biệt, đối với các xã phường quan trọng, có thể sẽ bố trí ủy viên thường vụ tỉnh ủy làm bí thư”, ông Tuấn nhấn mạnh về công tác cán bộ sau sắp xếp.
Về vấn đề đặt tên cho đơn vị hành chính cấp xã, ông Tuấn cho biết việc này giao toàn quyền cho địa phương. "Cần làm sao để việc đặt tên xã phường mới hiệu quả trong quản lý và tạo đồng thuận nhất của người dân", Vụ trưởng Chính quyền địa phương nêu quan điểm.

Bộ chính trị đã cân nhắc kỹ lưỡng về quyết định không còn thành phố, thị xã.
Đã cân nhắc kỹ lưỡng việc bỏ thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã, tiến tới bỏ cấp huyện và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, việc duy trì hay bãi bỏ các thành phố, thị xã thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đã thu là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho hay đề xuất ban đầu của Bộ Nội vụ vẫn có mô hình thành phố, thị xã và xác định đây là một đơn vị cấp cơ sở.
Khi trình lên Trung ương, cấp có thẩm quyền cân nhắc rất kỹ việc này. Bộ Chính trị 3 lần xem xét, cho ý kiến về đề án này, cân nhắc rất kỹ và đi đến quyết định không giữ lại tên thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
“Lý do bởi chúng ta đã thống nhất chủ trương bỏ hoàn toàn cấp huyện, cấp cơ sở chỉ còn cấp xã. Mặt khác có yếu tố tâm lý sợ tác động, ảnh hưởng đến nhiều người dân. Họ sẽ băn khoăn vì sao chủ trương bỏ cấp huyện mà vẫn giữ lại thành phố, thị xã hiện đang là cấp huyện”, ông Tuấn giải thích về lý do không giữ thành phố, thị xã thuộc tỉnh.
Hiện nay cả nước có 85 thành phố thuộc tỉnh và 2 thành phố thuộc thành phố là Thủ Đức (thuộc TP.HCM), thành phố Thủy Nguyên (thuộc Hải Phòng).
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/se-khong-con-cac-thanh-pho-thi-xa-thuoc-tinh-325769.htm