Sẽ không còn đúng quy trình, nhưng…

Ngày 28-4-2022, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Quy định số 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Theo đó, công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu. So với Quy định số 98-QĐ/TW, Quy định số 65-QĐ/TW có nhiều điểm mới và nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.

Cụ thể, Quy định số 65-QĐ/TW đã sửa đổi, bổ sung khái niệm về luân chuyển cán bộ và làm rõ thế nào là người địa phương. Theo Quy định số 98-QĐ/TW, thì luân chuyển cán bộ và điều động cán bộ có khái niệm riêng. Cụ thể: Luân chuyển cán bộ là việc cử có thời hạn cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch từ Trung ương về địa phương, từ cấp trên xuống cấp dưới và giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ và làm cơ sở lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ. Còn điều động cán bộ là việc phân công, bố trí, chuyển đổi vị trí công tác có thời hạn hoặc không xác định thời hạn đối với cán bộ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị (không phân biệt giữ chức vụ hoặc không giữ chức vụ) theo quy định của Đảng và Nhà nước, theo kế hoạch hoặc theo yêu cầu công tác của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, ở Quy định số 65-QĐ/TW chỉ còn khái niệm luân chuyển cán bộ với nội dung như sau: Luân chuyển cán bộ là việc phân công hoặc bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc yêu cầu của chức danh được quy hoạch. Như vậy, trong Quy định số 65-QĐ/TW đã bổ sung và làm rõ khái niệm về luân chuyển cán bộ, đồng thời bỏ khái niệm điều động cán bộ. Xét về đối tượng thì việc điều động hay luân chuyển đều có chung đối tượng là cán bộ quản lý được điều động hoặc luân chuyển đến cơ quan, đơn vị khác làm việc. Mặc dù giữa điều động và luân chuyển có điểm khác nhau là, điều động không có thời hạn nhất định và đối tương không phân biệt là nhân viên hay người có chức vụ lãnh đạo quản lý. Do đó, với Quy định 65-QĐ/TW thì chỉ quy định đối tượng thuộc diện phải luân chuyển là cán bộ quản lý.

Điểm mới thứ hai, theo Quy định số 98-QĐ/TW thì: Người địa phương được hiểu là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở địa phương đó hoặc là người đã học tập, công tác từ 20 năm trở lên ở địa phương đó. Nhưng ở Quy định số 65-QĐ/TW thì khái niệm về người địa phương đã được sửa đổi, bổ sung và làm rõ hơn, dễ hiểu nên dễ thực hiện hơn. Theo đó, “người địa phương là người có quê quán ở địa phương đó (trừ trường hợp có quê quán ở địa phương đó nhưng có 3 thế hệ sinh ra, lớn lên và sinh sống ở địa phương khác) hoặc là người có quê quán ở địa phương khác nhưng có 3 thế hệ sinh ra, lớn lên và sinh sống ở địa phương đó”. Đồng thời, ở Quy định số 65-QĐ/TW cũng đã bổ sung khái niệm về 2 nhiệm kỳ. Theo đó, “Cán bộ giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp là người giữ chức vụ cấp trưởng liên tục từ 8 năm trở lên ở cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị”.

Điểm mới thứ ba trong Quy định số 65-QĐ/TW là, việc luân chuyển cán bộ không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ. Trường hợp đặc biệt do Bộ Chính trị quyết định. Đồng thời, có cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá cán bộ luân chuyển và chính sách, chế độ phù hợp tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ. Như vậy, mục đích của việc luân chuyển cán bộ theo Quy định số 65-QĐ/TW là nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Và khi luân chuyển phải gắn với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luân chuyển cán bộ phải bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; không để xảy ra tiêu cực trong công tác cán bộ.

Thứ tư là Quy định số 65-QĐ/TW nêu rõ đối tượng luân chuyển gồm: Cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị, gồm: Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện. Trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, với thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng). Đồng thời, trong Quy định số 65-QĐ/TW cũng nêu rõ nguyên tắc bố trí chức danh khi luân chuyển phải thực hiện theo nguyên tắc bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến phân công, bố trí.

Điểm mới thứ năm về nhận xét, đánh giá đối với cán bộ luân chuyển. Theo đó, Quy định số 65-QĐ/TW nêu rõ: Cơ quan nơi đi có trách nhiệm nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, uy tín, tiêu chuẩn chính trị và các vấn đề khác có liên quan đến cán bộ theo quy định trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định luân chuyển cán bộ. Cơ quan nơi đến có trách nhiệm nhận xét, đánh giá định kỳ hằng năm và khi có yêu cầu về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, uy tín và các vấn đề có liên quan đến cán bộ luân chuyển và gửi cơ quan nơi đi, cơ quan tham mưu về tổ chức - cán bộ để phối hợp, theo dõi theo quy định. Đặc biệt, Quy định số 65-QĐ/TW đã giao trách nhiệm cho cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về nhận xét, đánh giá và kết luận của mình đối với cán bộ luân chuyển. Đặc biệt là các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác luân chuyển cán bộ theo quy định; đề xuất khen thưởng, biểu dương đối với những nơi làm tốt và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Như vậy, với Quy định số 65-QĐ/TW, các nguyên tắc, trách nhiệm, đối tượng và chế tài nghiêm cấm việc lợi dụng, lạm dụng công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác cán bộ để phục vụ các hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ nhằm phục vụ lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm đã được nêu rõ ràng, cụ thể. Vấn đề còn lại là cấp ủy các cấp phải thực hiện nghiêm nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ trong việc luân chuyển cán bộ để sử dụng đúng người, đúng việc, khắc phục được tình trạng luân chuyển, điều động cán bộ đúng quy trình, nhưng không đúng người.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/134419/se-khong-con-dung-quy-trinh-nhung