Sẽ kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Nếu dự thảo Đề án được phê duyệt, công chức sẽ bắt đầu thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào từ năm 2021, trước tiên là công chức ở cơ quan Trung ương
Với mục tiêu nâng cao chất lượng của công chức, Bộ Nội vụ đang dự thảo và lấy ý kiến Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Lộ trình thực hiện
Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đã xác định cần:
Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực.
Tiếp đó, tại khoản 6, điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020) quy định, thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức khi tuyển dụng công chức (trừ một số trường hợp). Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả.
Theo đó, tại dự thảo Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức Bộ Nội vụ dự kiến thực hiện theo lộ trình như sau:
Từ năm 2021 - 2022: Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức đối với các cơ quan Trung ương; Từ năm 2023: Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức trong cả nước.
Nếu dự thảo Đề án này được phê duyệt, công chức sẽ bắt đầu thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào từ năm 2021, trước tiên là công chức ở cơ quan Trung ương.
Kiểm định chất lượng đầu vào ít nhất 2 lần/năm
Cũng tại dự thảo Đề án này, Bộ Nội vụ đề xuất 2 phương án kiểm định chất lượng đầu vào công chức với 2 phương án.
Phương án 1. Quy trình: Bước 1, các thí sinh đủ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức nộp đơn đăng ký dự tuyển cho đơn vị kiểm định chất lượng đầu vào (Học viện Hành chính quốc gia); Bước 2, Học viện Hành chính quốc gia tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức và cấp Giấy chứng nhận cho các thí sinh đạt điều kiện.
Giấy chứng nhận này là cơ sở để các cơ quan tuyển dụng công chức thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng. Giấy chứng nhận có giá trị trong 12 tháng kể từ ngày cấp để thí sinh đăng ký tuyển dụng vòng 2.
Số lần kiểm định: Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào tập trung ít nhất 2 lần/năm. Các thí sinh không đạt yêu cầu được đăng ký thi lại sau 6 tháng kể từ khi kiểm định không đạt ở lần trước.
Địa điểm kiểm định: Kiểm định tập trung ở Hà Nội, TP HCM, TP Huế và TP Buôn Ma Thuột.
Trường hợp không đủ điều kiện kiểm định tại 4 địa điểm trên thì Học viện Hành chính bố trí nhân sự, phần mềm, ngân hàng đề thi để kiểm định tại địa phương.
Phương án 2. Quy trình: Bước 1, căn cứ kế hoạch tuyển dụng, sau khi thông báo tuyển dụng, nhận và thẩm định hồ sơ đăng ký tuyển dụng, cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức lập danh sách thí sinh đủ điều kiện về hồ sơ để tham gia kỳ thi tuyển dụng công chức, lập danh sách thí sinh được miễn phần thi ngoại ngữ, tin học tại vòng 1. Gửi danh sách cho Bộ Nội vụ và Học viện Hành chính quốc gia.
Bước 2, Học viện Hành chính thực hiện kiểm định; Bước 3, kết quả kiểm định được gửi về Hội đồng tuyển dụng công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các Bộ, ngành, địa phương để xác định người dự tuyển được thi tiếp vòng 2, đồng thời gửi về Bộ Nội vụ để theo dõi.
Số lần kiểm định: Thực hiện theo kế hoạch tuyển dụng của cơ quan tuyển dụng.
Địa điểm kiểm định: Tập trung tại Hà Nội, TP HCM, TP Huế và TP Buôn Ma Thuột.
Trường hợp không đủ điều kiện kiểm định tại địa điểm trên thì Học viện Hành chính bố trí nhân sự, phần mềm, ngân hàng đề thi để kiểm định tại địa phương.
Dự thảo Đề án kiểm định chất lượng đầu vào công chức được lấy ý kiến đến hết ngày 28-7-2020.