Sẽ là cuộc chơi sòng phẳng
Từ ngày mai (6/5), những môn, nội dung đầu tiên của SEA Games 31 là Kickboxing, Bóng đá nam, Bóng ném bãi biển nam sẽ diễn ra. Đây cũng là sự mở màn cho hành trình chinh phục tối thiểu 140 Huy chương Vàng (HCV) của Đoàn Thể thao Việt Nam tại kỳ SEA Games thứ hai trên sân nhà.
Tuy vậy, hoàn thành chỉ tiêu là một việc, phải bảo đảm công bằng, sòng phẳng, đánh giá đúng thành tích VĐV đoạt HCV như tiêu chí tổ chức Đại hội lại là vấn đề khác, thậm chí còn được đề cao hơn với lãnh đạo đoàn cũng như Ban Tổ chức SEA Games 31…
Cơ hội thể hiện mong muốn
SEA Games 31 tổ chức 40 môn thi, 523 nội dung với sự góp mặt của trên 10.000 HLV, VĐV, cán bộ, trọng tài... đến từ 11 đoàn thể thao khu vực Đông Nam Á. So với dự kiến là 526 nội dung thi đấu, thực tế SEA Games 31 ít hơn 3 nội dung gồm bóng ném nữ, đẩy tạ nữ, ném búa nam do mỗi nội dung chỉ có 2 đoàn đăng ký thi đấu trong khi mỗi nội dung được tổ chức phải có tối thiểu 3 đoàn đăng ký tham dự.
Đáng lưu ý, tại SEA Games lần này, nước chủ nhà Việt Nam tổ chức tất cả các môn, nội dung nằm trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD đang phát triển tại các quốc gia Đông Nam Á. Đây cũng là cách hiện thực hóa mong muốn bấy lâu nay của thể thao Việt Nam mỗi khi tham dự các kỳ SEA Games.
Thực tế, nhiều SEA Games trước đã chứng kiến những nội dung thi đấu trong chương trình thi đấu Olympic hay ASIAD bị cắt giảm vô tội vạ. Điều đó hầu như chỉ ảnh hưởng đến hầu hết các đoàn tham dự, ngoài nước chủ nhà. Đó cũng là một trong những lý do khiến các đoàn khó cạnh tranh với nước chủ nhà trong cuộc đua đến ngôi Nhất toàn đoàn. Như chuyện môn vật chẳng hạn. Dù là môn trong chương trình thi đấu Olympic nhưng cũng không thường xuyên xuất hiện ở đấu trường SEA Games. Tại Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là mạnh nhất về môn vật nên việc thiếu môn này trong chương trình thi đấu SEA Games cũng khiến thể thao Việt Nam gặp khó khăn trong việc duy trì thứ hạng trong 3 đoàn dẫn đầu.
Không kể, việc này cũng ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị của nhiều đội tuyển cho các đấu trường ASIAD hay Olympic. Dù vậy, nhiều lý do vẫn được nêu ra và các đoàn, trong đó có đoàn Việt Nam, buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, mong muốn một kỳ SEA Games có sự liên thông với đấu trường ASIAD, Olympic vẫn được đại diện thể thao Việt Nam đề cập nhiều lần. Và đến khi SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam thì mong muốn đó đã được hiện thực hóa.
Rõ ràng, việc SEA Games 31 có đủ nội dung thi đấu các môn ở Olympic, ASIAD cũng sẽ tạo cơ hội giành HCV cho nhiều đoàn khác, đặc biệt ở những nội dung không phải thế mạnh của thể thao Việt Nam. Vì thế, cuộc cạnh tranh ngôi vô địch toàn đoàn của đoàn chủ nhà Việt Nam cũng cam go hơn. Nhưng thể thao Việt Nam chấp nhận điều đó để thực hiện mong muốn bấy lâu này của mình.
Cũng vì thế, Đoàn Thể thao Việt Nam chỉ có thể đưa ra chỉ tiêu giành ít nhất 140 HCV tại SEA Games 31. Còn nếu sử dụng quyền chủ nhà để loại môn mạnh của đoàn khác, đưa thêm nội dung thế mạnh của mình vào chương trình thi đấu thì chỉ tiêu HCV của đoàn Việt Nam chắc chắn sẽ cao hơn con số 140.
Theo lãnh đạo Đoàn Thể thao Việt Nam, việc đăng ký chỉ tiêu 140 huy chương vàng dựa trên số liệu dự báo của các đội tuyển cùng sự đánh giá từ Vụ Thể thao thành tích cao 1, 2 và Vụ Thể thao quần chúng (Tổng cục Thể dục thể thao). Tất nhiên, ngoài các nội dung thi đấu của ASIAD, Olympic thì chương trình thi đấu của SEA Games 31 cũng có một số môn đã phát triển ở Đông Nam Á, chưa có trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD. Đó hầu hết là môn thế mạnh của thể thao Việt Nam nên mới có chỉ tiêu 140 HCV như trên.
Bảo đảm khách quan, sòng phẳng
Câu chuyện bảo đảm khách quan, sòng phẳng, mỗi tấm huy chương đều phản ánh đúng năng lực của VĐV, diễn biến cuộc đấu để tạo nên kỳ SEA Games thực sự fair-play đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức SEA Games 31 đặt ra trong các cuộc làm việc với ngành Thể thao, trong các cuộc thăm, kiểm tra công tác chuẩn bị của Đoàn Thể thao Việt Nam trước SEA Games 31.
Nắm bắt rõ tinh thần này nên trong những trao đổi gần đây với báo giới, lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao, Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 đều khẳng định, đoàn chủ nhà SEA Games 31 không giành HCV bằng mọi giá, không tạo ra những hàng rào kỹ thuật để làm khó các đoàn khác. Tấm huy chương sẽ phản ánh đúng thực tế cuộc đấu chứ không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Tất nhiên, trong việc này, chính nước chủ nhà phải có bước đi, cách thể hiện cụ thể để hiện thực hóa mong muốn về một kỳ SEA Games thực sự fair-play của mình.
Trước mắt, công tác trọng tài được đề cao và xem trọng bởi không ít cảnh “dở khóc, dở cười” tại một số kỳ SEA Games đến từ đội ngũ trọng tài khi người chắc thua lại được tuyên bố thắng, còn người chắc thắng lại ngẩn người nhận quyết định thua cuộc. Ngay từ lúc này Ban Tổ chức đại hội đã quán triệt với các trọng tài phải làm việc công bằng, vô tư, khách quan nhất để đánh giá đúng thành tích của vận động viên. Việc này đặc biệt được lưu tâm ở những môn vẫn có cách chấm điểm, xác định thành tích phụ thuộc vào cảm tính của trọng tài, đặc biệt ở những môn võ, thể dục…
Bên cạnh đó, sẽ không có những “tiểu xảo” ảnh hưởng đến khâu chuẩn bị, thi đấu của các đoàn. Đấy cũng là điều được lưu ý để bảo đảm các đoàn được tạo điều kiện tập luyện, thi đấu tốt nhất và thể hiện được hết khả năng. Chính điều đó sẽ càng làm tôn vinh tấm huy chương mà các VĐV, đặc biệt VĐV Việt Nam, giành được.
Đúng là phải đợi đến khi SEA Games 31 kết thúc mới đánh giá chính xác mong muốn về kỳ SEA Games khách quan, sòng phẳng, fair-play được thể hiện đến đâu. Nhưng lúc này với những động thái từ Ban Tổ chức SEA Games 31, hoàn toàn có thể tin vào sự hiện thực hóa triệt để nhất mong muốn trên. Bởi đó là cách tốt nhất để góp phần giúp công tác tổ chức, thi đấu tại kỳ SEA Games 31 thành công trọn vẹn, nâng cao vị thế Việt Nam nói chung, thể thao Việt Nam nói riêng tại khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/se-la-cuoc-choi-song-phang--i652557/