Sẽ mở rộng, xây mới một số bệnh viện ở thành phố Thủ Đức

'Bên cạnh mở rộng, nâng cấp những cơ sở y tế hiện hữu, thành phố Thủ Đức sẽ xây dựng thêm các bệnh viện mới trong tương lai, đồng thời không ngừng hiện đại hóa, sử dụng công nghệ cao, hướng đến y tế thông minh'. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị Khoa học quốc tế lần 1 năm 2024 của thành phố Thủ Đức với chủ đề 'Y tế thông minh, chiến lược phát triển y tế chuyên sâu trong hiện tại và tương lai', diễn ra ngày 10/8.

Chuyên gia nước ngoài trình bày báo cáo trong Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Chuyên gia nước ngoài trình bày báo cáo trong Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, hiện hệ thống khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố Thủ Đức có 3 bệnh viện hạng I gồm Bệnh viện Ung Bướu – cơ sở 2, Bệnh viện thành phố Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Thịnh; 3 bệnh viện hạng II gồm Bệnh viện Lê Văn Việt, Bệnh viện Quân dân y miền Đông, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức; 3 bệnh viện tư nhân (trong đó có 2 bệnh viện quốc tế); 32 trạm y tế; 453 phòng khám tư nhân và 750 nhà thuốc.

Nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân thành phố Thủ Đức trên nền tảng phát triển y tế hướng tới cộng đồng, đồng thời, thực hiện mục tiêu bao phủ dịch vụ y tế chất lượng cao, đổi mới sáng tạo trên nền tảng cơ sở dữ liệu và ứng dụng khoa học công nghệ, trong năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức đã ban hành Đề án “Phát triển Y tế thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021 – 2030 gắn với ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật chuyên sâu và khoa học y sinh hiện đại”.

Theo đó, trong ngắn hạn, ngành y tế thành phố Thủ Đức sẽ đầu tư các nguồn nhân lực và cải tạo các bệnh viện hiện có, nâng tầm lên thành các bệnh viện xứng tầm khu vực và quốc tế. Điển hình như: Dự án xây dựng Khoa Điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Lê Văn Thịnh với số vốn khoảng gần 800 tỷ đồng; xây mới, nâng cấp Bệnh viện thành phố Thủ Đức và Bệnh viện Lê Văn Việt thành bệnh viện 1.000 giường. Mỗi bệnh viện được đầu tư 3.000 tỷ, theo hình thức hợp tác công - tư.

Về dài hạn, thành phố dành 128 ha đất xây dựng các công trình y tế, xây dựng một số bệnh viện mới để giảm tải cho tuyến trên, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại Thủ Đức và hỗ trợ cho các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai… Thành phố Thủ Đức đề xuất xây dựng một số bệnh viện mới như: Bệnh viện Tâm thần; Trung tâm điều dưỡng tâm thần; Trung tâm cấp cứu 115 cơ sở 2; Bệnh viện chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình…

Ông Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Ông Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, thúc đẩy khoa học công nghệ là vấn đề đang được ưu tiên trong chiến lược phát triển y tế hiện nay. Mặc dù vậy, phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển y tế thông minh của ngành y tế tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Bộ Y tế đang đặt ra những mục tiêu ưu tiên để phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Các mũi nhọn mà ngành y tế đang tập trung phát triển bao gồm: công nghệ sinh học, ưu tiên công nghệ gene, tế bào trong ứng dụng và điều trị, nghiên cứu, ứng dụng các bệnh không truyền nhiễm… Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo mong muốn, Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu về công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thông tin trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.

Bản đồ quy hoạch đất y tế của thành phố Thủ Đức trong tương lai. Ảnh: TTXVN phát

Bản đồ quy hoạch đất y tế của thành phố Thủ Đức trong tương lai. Ảnh: TTXVN phát

Hội nghị Khoa học quốc tế lần I năm 2024 với chủ đề “Y tế thông minh, chiến lược phát triển y tế chuyên sâu trong hiện tại và tương lai” do UBND thành phố Thủ Đức chủ trì thu hút 500 đại biểu, là chuyên gia trong và ngoài nước đến từ sở y tế, các trường đại học y khoa, các trường thuộc khối y tế sức khỏe, bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế, các đơn vị y tế trực thuộc tỉnh/thành lân cận cùng tham dự.

Hơn 30 công trình nghiên cứu khoa học trọng điểm trên nhiều lĩnh vực khác nhau về y tế nổi bật như: Lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn, chiến lược kiểm soát bệnh truyền nhiễm, ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới trong chuyển đổi số phát triển y tế thông minh, các lĩnh vực liên quan đến nội khoa, ngoại khoa, kỹ thuật y sinh học... đã được báo cáo tại hội nghị. Đây được xem là cơ sở nền tảng cho chiến lược phát triển tổng thể về y tế thông minh, chiến lược phát triển y tế chuyên sâu trong hiện tại và tương lai tại thành phố Thủ Đức.

Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/se-mo-rong-xay-moi-mot-so-benh-vien-o-thanh-pho-thu-duc-20240810165417945.htm