Sẽ nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp xử lý vi phạm giao thông

Dự thảo nghị quyết nêu rõ, Chính phủ nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 23/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.

Theo đó, dự thảo đặt mục tiêu siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giao thông.

Kịp thời khởi tố các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm, điều tra xử lý nghiêm, đồng thời xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

Đáng chú ý nhất trong dự thảo này là việc Chính phủ nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Sẽ cấm hành vi can thiệp, tác động để xin xe vi phạm giao thông (Ảnh minh họa: Đình Thành)

Sẽ cấm hành vi can thiệp, tác động để xin xe vi phạm giao thông (Ảnh minh họa: Đình Thành)

Dự thảo nghị quyết giao Bộ GTVT và Bộ Công an chủ trì soạn thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (được tách từ Luật Giao thông đường bộ).

Theo đó, Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội hai dự luật này vào Kỳ họp thứ 6 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Trong đó, dự án Luật Đường bộ xây dựng theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định trách nhiệm trong đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từ Trung ương tới các địa phương.

UBND các tỉnh, thành được quyết định đầu tư bằng ngân sách địa phương, đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với các tuyến đường cao tốc theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam; đầu tư mở rộng các tuyến đường quốc lộ hiện có theo quy hoạch và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, kết hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bên cạnh việc hoàn thiện Luật Đường bộ, Bộ GTVT phải hoàn thiện chính sách pháp luật phân cấp, phân quyền trong vận tải đường bộ và đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Sửa nghị định 10 theo hướng phân cấp, phân quyền triệt để công tác quản lý danh mục tuyến cố định liên tỉnh cho các Sở GTVT…

Đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự thảo nghị quyết nêu rõ cần phân định rõ trách nhiệm của lực lượng Công an trong công tác chỉ huy, điều hành giao thông; cơ chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin để xác định và xử lý điểm đen tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Báo cáo của Ủy Ban ATGT Quốc gia cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người.

Trong đó, 17 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 7 tỉnh tăng trên 20% là: Lào Cai, Đồng Nai, Thanh Hóa, Sơn La, Tây Ninh, Lạng Sơn và Hà Tĩnh.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý trên 1,6 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền trên 3.200 tỷ đồng, tước hơn 328.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 530.000 phương tiện các loại.

So với cùng kỳ năm 2022, xử lý vi phạm tăng hơn 300.000 trường hợp (+22,2%), tiền phạt tăng hơn 1.600 tỷ đồng (+98,9%). Trong đó, riêng về lái xe vi phạm nồng độ cồn đã xử lý 373.931 trường hợp; lái xe vi phạm tốc độ xử lý 325.635 trường hợp.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/se-nghiem-cam-moi-hanh-vi-can-thiep-xu-ly-vi-pham-giao-thong-2174528.html