Sẽ nghiên cứu để bù kinh phí cho các trường khi tạm lùi việc tăng học phí
Chiều 15.8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục trên địa bàn TP. Hà Nội để lắng nghe những chia sẻ của các giáo viên.
Bày tỏ ý kiến của mình trước tư lệnh ngành, PGS.TS Phạm Thị Huyền (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết hiện nay có quá nhiều khúc mắc, bất cập liên quan đến chế độ chính sách đối với chương trình giáo dục ĐH.
Bà Huyền cho biết với những chính sách thực tế, Bộ GD-ĐT nên trao quyền tự chủ hơn cho nhà trường, chứ không chỉ ở mỗi việc tự chủ về học phí. Từ đó các trường mới có sự chủ động liên kết tạo các mối quan hệ, thêm cơ hội để người học được có thêm thực tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục ĐH.
"Sự thiếu đồng bộ trong điều hành tự chủ tài chính đang đặt ra khó khăn cho các nhà trường, đề nghị Bộ GD-ĐT và các cơ quan điều hành có đề xuất cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo giúp các trường ĐH điều hành tự chủ tại chính một cách hợp lý trong thời gian tới" - bà Huyền đưa ý kiến.
Đề cập đến chế độ chính sách, PGS.TS Phạm Ngọc Minh (Trường ĐH Y Hà Nội) chia sẻ việc đào tạo ở trường Y tương đối dài, chẳng hạn bác sĩ đa khoa có thời gian đào tạo 6 năm. Muốn trở thành giảng viên thì phải có thêm ít nhất 3 năm đào tạo bác sĩ nội trú. Tuy nhiên với thời gian đào tạo dài và tốn kém nhiều chi phí nhưng mặt bằng chung lương của y bác sĩ lại không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thậm chí cũng là một trong những ngành nghề nguy hiểm, cần được hỗ trợ, quan tâm.
“Chúng tôi đào tạo ra đội ngũ cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe người dân. Giảng viên trường y vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo nên trách nhiệm càng nặng nề hơn”, PGS.TS Phạm Ngọc Minh bày tỏ. Bên cạnh đó, giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội còn làm công tác kiêm nhiệm ở bệnh viện. Thời gian làm việc ở bệnh viện ít nhất bằng thời gian làm việc ở trường, thậm chí là nhiều hơn. Tuy nhiên, giảng viên chỉ được hưởng 1 loại lương, phụ cấp.
Trăn trở với việc giữ chân giảng viên giỏi, PGS.TS Phạm Ngọc Minh đề xuất, cần có cơ chế chính sách, đặc thù, thu hút tương xứng. Chúng ta giữ chân người giỏi bằng tâm huyết của họ, chứ không phải bằng mệnh lệnh, hành chính. "Thay vì quy định phải có bằng thạc sĩ, nên chăng sửa thành giảng viên trường ĐH Y phải có bằng thạc sĩ hoặc tương đương để các trường có thể vận dụng được. Ngoài ra, cần sửa đổi Nghị định 99 về tự chủ ĐH để phù hợp với thực tiễn", đại diện trường ĐH Y Hà Nội nêu.
Trong buổi gặp gỡ lấy ý kiến của các giáo viên tại Hà Nội, số đông các ý kiến phản ánh thu nhập của giảng viên các trường ĐH, đặc biệt là giảng viên trẻ khối trường ĐH sư phạm còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, dẫn đến tình trạng giảng viên không yên tâm công tác. Hiện tượng giảng viên có trình độ cao bỏ việc ở trường công, chuyển công tác ra các trường ngoài công lập với thu nhập cao hơn đang diễn ra ngày càng nhiều.
Đưa ra chia sẻ của mình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết vấn đề giảng viên tại các trường ĐH đóng vai trò quan trọng nhất, chính vì thế các trường cần ban hành quy chế, nội quy riêng và thậm chí trả lương riêng. Để từ đó mới có các giảng viên tốt, các nhà khoa học đảm bảo cho trường, các trường cần tạo ra môi trường phù hợp để phát triển chứ không chờ đợi các đơn vị khác.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, hệ thống các trường Cao đẳng sư phạm đang khó khăn vì chỉ đào tạo hệ sư phạm mầm non nên chưa phát huy được hết năng lực. Do đó, cần sắp xếp lại theo hướng, một số trường sẽ sáp nhập vào các trường ĐH có đào tạo về khoa học cơ bản.
Công tác tài chính cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạt động ở các trường ĐH. Hiện nay, Chính phủ đang yêu cầu các trường thực hiện tạm lùi thời hạn tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ- để chia sẻ khó khăn với người dân. Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu kiến nghị nhà nước cấp bù kinh phí cho các nhà trường để đảm bảo chất lượng hoạt động tại các trường mà không quá ảnh hưởng tới sự phát triển giáo dục chung của toàn xã hội.