Sẽ nhân rộng mô hình 'Trường học hạnh phúc'
Hiệp hội Eurasia (ELI) sẽ nhân rộng mô hình 'Trường học hạnh phúc' sau khi được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát hành giáo trình đào tạo giáo viên thực hiện xây dựng 'Trường học hạnh phúc' và tham gia phát triển các chỉ số đo lường mới trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Trong buổi làm việc, gặp gỡ mới đây với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), GS. Hà Vĩnh Thọ, Chủ tịch Học viện Eurasia về Hạnh phúc và An sinh và lãnh đạo Sở GD&ĐT đã thảo luận về những thành tựu đã đạt được của Chương trình “Trường học hạnh phúc” tại Huế cũng như những bước đi tiếp theo của chương trình. Thời gian qua, Hiệp hội Eurasia đã có những hỗ trợ thiết thực cho ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế, đặc biệt đối với công tác giáo dục cho học sinh khuyết tật, xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” gắn với những giá trị truyền thống đặc trưng của con người xứ Huế.
Nhiều năm qua, GS. Hà Vĩnh Thọ và các cộng sự đã triển khai đào tạo chuyên môn cho giáo viên về giáo dục đặc biệt tại Thừa Thiên Huế, mới nhất là những khóa tập huấn “Trường học hạnh phúc” vừa kết thúc thí điểm sau 4 năm lan tỏa ở các trường phổ thông tại Huế.
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương của cả nước thụ hưởng chương trình của dự án “Trường học hạnh phúc”. Từ năm 2018, dự án được ELI, Trường đại học Sư phạm Huế và Sở GD&ĐT triển khai, đến nay đã có hơn 181 giáo viên và hơn 4.100 học sinh của 9 trường học được thụ hưởng chương trình.
Mong muốn của Sở GD&ĐT là thời gian tới, Hiệp hội ELI tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế nhân rộng và lan tỏa những giá trị của mô hình “Trường học hạnh phúc” trong toàn tỉnh. Đây là một khung chương trình giáo dục chú trọng cảm xúc của trẻ, với việc tạo môi trường học đường vui vẻ và quan tâm đến những vấn đề của cộng đồng, môi trường...