Sẽ phạt kịch khung cửa hàng trữ xăng, găm hàng chờ tăng giá
Dù nguồn cung cơ bản ổn định, nhưng cơ quan chức năng vẫn đang tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý, nếu phát hiện sai phạm…
Găm hàng chờ giá sẽ bị rút giấy phép kinh doanh
Ngày 11/2, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết: Đến thời điểm này, tình hình mua bán xăng dầu trên địa bàn thành phố vẫn ổn định, chỉ có một vài cây xăng nhỏ lẻ ngừng bán hoặc treo biển hết xăng 95 do thiếu nguyên liệu.
Trong số này, có 1 cây xăng nằm ở khu vực lộ tẻ, đi Kiên Giang. Sở đã làm việc, qua đó, yêu cầu đơn vị cung ứng phải cung cấp đủ nguyên liệu để cửa hàng hoạt động bình thường. Và đơn vị này đã cam kết sẽ cung ứng đủ.
Hiện hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn TP Cần Thơ gồm 4 thương nhân đầu mối, 20 thương nhân phân phối có trụ sở, 23 thương nhân phân phối có đăng ký địa bàn hoạt động tại TP Cần Thơ, 6 đại lý bán lẻ và 305 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
Theo Cục Quản lý thị trường Cần Thơ, từ thời điểm cận Tết, trước diễn biến thông tin về việc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung, trên thị trường, mặt hàng xăng dầu có dấu hiệu khan hiếm.
Từ đó, xuất hiện tình trạng nguồn xăng dầu cung ứng giao hàng chậm so với bình thường; chiết khấu hoa hồng chỉ từ 200 - 300 đồng/ lít. Các cửa hàng xăng dầu cho biết, với chiết khấu hoa hồng hiện nay không đủ chi phí, bị lỗ.
Qua kiểm tra, giám sát các điểm kinh doanh xăng dầu địa bàn thành phố, nhìn chung các điểm kinh doanh đều bán đúng giá niêm yết, chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, chờ tăng giá.
Có 2 cửa hàng xăng dầu ở quận Bình Thủy đã hết xăng, chỉ còn bán dầu. Và 5 trường hợp cơ sở kinh doanh xăng dầu ngưng hoạt động, đóng cửa vì lý do giấy phép, làm thủ tục bán lại, và một số lý do khác. 5 trường hợp này nằm ở quận Ô Môn, Thốt Nốt, huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Còn lại các quận Ninh Kiều, Cái Răng, huyện Phong Điền và Thới Lai vẫn hoạt động bình thường.
Ông Nguyễn Đăng Chinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Tây Nam Bộ (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), cho biết: "Với thị trường phụ trách là TP Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng; Công ty có khoảng 100 cửa hàng kinh doanh cung ứng đầy đủ nguồn hàng cho tất cả nhu cầu tiêu dùng và an ninh quốc phòng trên địa bàn các tỉnh, thành.
Tất cả các cửa hàng thực hiện cam kết bán không ngưng nghỉ, đặc biệt trong giai đoạn này. Riêng tại Cần Thơ, bình quân mỗi ngày sản lượng xăng dầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 200 m3 (tương đương 200.000 lít); thời điểm này sản lượng bán tăng khoảng 30% so với ngày thường. Công ty có tổng kho trữ lượng 90.000m3, đáp ứng đầy đủ cho các công ty tuyến sau tại miền Tây".
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết thêm, Sở đã tăng cường kiểm tra thường xuyên và liên tục, nếu phát hiện tình trạng găm hàng, chờ tăng giá; sẽ kiên quyết xử lý, rút giấy phép.
Tình hình chưa đáng lo
Trước đó, trong ngày 10/2, Đoàn kiểm tra do Chánh thanh tra Bộ Công Thương làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra cơ sở nằm ở thị xã Bình Minh, Vĩnh Long, nơi được người dân phản ánh treo bảng “hết xăng”. Ghi nhận ban đầu của Đoàn kiểm tra cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, đơn vị đã không còn hàng trong bồn để bán, trong quá trình chờ đơn vị đầu mối tiếp thêm, đã treo biển “Hết xăng”.
Trao đổi với PV, ông Phạm Tứ Phương, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, cho biết, một số đơn vị kinh doanh xăng dầu ở Cần Thơ như Sen Vàng - có hệ thống cửa hàng ở Vĩnh Long, đang bị thiếu nguồn cung và có nộp đơn về sở xin đóng cửa. Hiện tại, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, PVoil, Nam Sông Hậu… chiếm hơn 80% thị phần của tỉnh.
Với hệ thống phân phối mạnh, nguồn cung dồi dào, việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục. Qua kiểm tra, tỉnh chưa phát hiện tình trạng găm hàng, nhưng vẫn sẽ tiếp tục theo dõi xuyên suốt, xử lý nghiêm, làm các bước rút giấy phép nếu phát hiện sai phạm…
Tại Hậu Giang, tỉnh này có tổng số 233 cửa hàng xăng dầu và 18 thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu đang hoạt động. Chỉ riêng thời gian từ mùng 1 Tết Nguyên đán đến nay, Sở Công thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan đã kiểm tra hàng chục cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Lập biên bản 4 cửa hàng và nhắc nhở 7 cửa hàng có mở cửa nhưng đề bảng hết xăng.
Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh: "Đơn vị phối hợp với Cục Quản lý thị trường trực tiếp làm việc với các thương nhân, doanh nghiệp đầu mối để điều tiết hàng hóa, đảm bảo nguồn cung, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, đột xuất.
Khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định, xử phạt “kịch khung” theo quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu và theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Công thương".
Có hiện tượng người dân mua xăng dầu dự trữ trước giờ tăng giá
Sáng 11/2, theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Cà Mau, qua kiểm tra, rà soát hiện có 9 cửa hàng xăng dầu tư nhân trên địa bàn tỉnh không có xăng dầu tại cửa hàng để bán.
Theo ghi nhận, trước tình trạng khan hiếm xăng dầu và thông tin xăng dầu sẽ tăng mạnh vào chiều 11/2, sáng 11/2 đã có hiện tượng nhiều người mua xăng dầu dự trữ.
Theo trình bày của các cửa hàng, tình trạng khan hiếm do hết xăng, dầu hoặc đã đặt hàng nhưng các doanh nghiệp đầu mối chưa cung cấp. Toàn tỉnh Cà Mau có 389 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; số lượng thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối có hệ thống tại tỉnh Cà Mau là 16 cửa hàng và 5 kho chứa xăng dầu với sức chứa 7.300 m3.
Hiện các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối cung ứng xăng dầu đáp ứng duy trì hoạt động hệ thống. Riêng các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (Pvoil) gồm: Công ty cổ phần Dầu khí M.K. đã không còn mặt hàng xăng (bao gồm cả xăng Ron 95 và E5 Ron 92) để cung cấp cho các cửa hàng của hệ thống từ sáng 9/2; Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí B.L. chỉ cung cấp cầm chừng cho các cửa hàng duy trì hoạt động.
Có một vài thương nhân phân phối xăng dầu gặp khó khăn trong cung ứng, do không mua được xăng dầu từ đầu mối, nên không đảm bảo xăng dầu để duy trì hệ thống như: Công ty TNHH Lý Tân Tài, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Lê Hùng Ny (tỉnh Kiên Giang).
“Các đoàn kiểm tra của Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát, vận động doanh nghiệp tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về kinh doanh xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đặc biệt là xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, giảm thời gian bán hàng, tạo khan hiến xăng dầu”, một lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Cà Mau thông tin.