Sẽ sửa luật để thúc đẩy kinh tế chia sẻ như Uber, Grab
Trước nhu cầu cấp bách về việc hoàn thiện khung khổ pháp lý chặt chẽ để quản lý các mô hình hoạt động của kinh tế chia sẻ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ vào ngày 13/8.
Thời gian qua, cùng với sự nổi lên của các doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài lớn như Uber, Grab, Airbnb..., cụm từ "kinh tế chia sẻ" đang được nhắc tới ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt startup trong nước đi theo mô hình này ở nhiều lĩnh vực khác nhau như nhà ở, giao hàng, taxi...
Theo kết quả trong một khảo sát của Nielsen, cứ 4 người Việt được hỏi thì có 3 người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này (chiếm 75%). Điều này cho thấy kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam.
Theo nhận định của của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Lê Quang Mạnh trong cuộc họp báo Chính Phủ thường kỳ tháng 2/2019, Việt Nam phải xác định kinh tế chia sẻ là một cơ hội mới về thay đổi phương thức kinh doanh từ sở hữu tài sản sang sử dụng tài sản mà không cần sở hữu
Tuy nhiên, nhìn chung sự phát triển của các dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam thời gian qua còn mang tính tự phát. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước lại khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này.
Ví như quản lý kê khai thuế và thu thuế đối với Grab hay 'cuộc chiến' giữa Grab với taxi truyền thống đến nay vẫn chưa kết thúc.
Sau khi Thủ tưởng chỉ đạo phải dùng công nghệ để quản lý thay vì "gắn hộp đèn" đối với taxi công nghệ vào cuối tháng 7. Mới đây, Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị chuyển hình thức kinh doanh từ vận tải hành khách bằng taxi (truyền thống) sang vận tải theo hợp đồng điện tử bằng ô tô dưới 9 chỗ (như taxi công nghệ). Hiệp hội cho rằng nghĩa vụ thuế của taxi truyền thống và công nghệ không công bằng.
Trước nhu cầu cấp bách về việc hoàn thiện khung khổ pháp lý chặt chẽ để quản lý các mô hình hoạt động của kinh tế chia sẻ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ vào ngày 13/8.
Mục tiêu nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.
Đồng thời, đề án còn đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
Quan điểm của đề án là ủng hộ, thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới.
Đồng thời, không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ do kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế.
Theo đề án, quản lý nhà nước cần đảm bảo cho hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển, trong đó có hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ.
Các cơ quan quản lý cần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ.
Chính phủ khuyến khích các mô hình kinh tế chia sẻ trên cơ sở phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối điều phối theo dõi và phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành cho phù hợp với yêu cầu quản lý các hoạt động của kinh tế chia sẻ; xây dựng báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế; thành lập tổ công tác liên ngành.
Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế chia sẻ.
Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sửa Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, bộ Luật Hàng hải và đưa kinh tế chia sẻ thành một nội dung sửa hổi, bổ sung của 3 luật trên.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng vận chuyển điện tử trong việc gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách và gửi thông tin hóa đơn điện tử về Tổng cục thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chính sách phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích các hoạt động thương mại điện tử ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ.