Sẽ sửa nhiều Luật để 'mở đường' cho xe điện

Bộ GTVT sẽ rà soát, cập nhật các quy định quản lý, khai thác phương tiện giao thông điện trong quá trình xây dựng luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Tại Hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” tổ chức ngày 3/9, ông Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ (bộ GTVT) đã nói đến sự cần thiết của xe điện trong bối cảnh dầu mỏ là tài nguyên không thể tái tạo, việc tiêu thụ sẽ dẫn đến cạn kiệt do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng.

Các nghiên cứu cho thấy, ngành GTVT hiện nay tiêu thụ trên 55% lượng dầu và thải ra khoảng 25% tổng lượng CO2 (Howey, 2012). Tỷ lệ lượng phát thải CO2 của các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17% lượng phát thải CO2 toàn cầu.

Từ thực tế đó, ông Hà cho biết các quốc gia đã nghiên cứu, phát triển xe sử dụng nhiên liệu mới như nhiên liệu sinh học, pin nhiên liệu, hybrid, xe điện …

Trong đó xe điện có ưu thế hơn cả và trở thành xu hướng của tương lai. Các nước đều có chính sách ưu tiên để phát triển xe điện, nâng dần tỉ lệ xe điện. Hiện, số lượng xe điện tiêu thụ ở các quốc gia phát triển khá lớn.

Hệ thống tiêu chuẩn về xe điện trên thế giới rất đa dạng và tiếp tục được xây dựng. Mỗi quốc gia tùy theo điều kiện của mình mà lựa chọn và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phù hợp.

“Hiện nay ở Việt Nam, xe điện được phân loại vào nhóm xe cơ giới, do đó chịu sự quản lý của các quy định pháp luật về giao thông hiện hành. Do đó việc quản lý chất lượng xe điện đang nằm trong tổng thể quản lý chất lượng phương tiện giao thông mà chưa có quy định riêng cụ thể”, ông Hà cho hay.

Bên cạnh đó, do có nhiều đặc điểm mới so với các loại phương tiện giao thông khác, các tiêu chuẩn, quy định hiện hành vẫn chưa có độ phủ hết, đảm bảo tính chuyên biệt, đặc thù của xe điện.

Ông Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ (bộ GTVT)

Ông Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ (bộ GTVT)

Chỉ ra đặc điểm phát triển của xe điện, ông Hà cho biết: “Xe điện phát triển rất nhanh, không chỉ dừng lại ở công nghệ điện và còn kết hợp với các công nghệ điều khiển thông minh, AI … để hình thành xe có mức độ tự động hóa cao (xe tự lái)”.

Do có đặc điểm vận hành đặc biệt nên cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng hệ thống quy định pháp luật phù hợp để quản lý, vận hành đảm bảo an toàn.

Ông Hà khẳng định: “Bộ GTVT đã có chủ trương xây dựng các quy định liên quan đến xe điện như: an toàn điện, động cơ, pin, hệ thống điều khiển, an toàn thông tin, chuẩn sạc… Các tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng trên cơ sở hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế”.

Đồng thời, ông cũng cho biết Bộ đang tiến hành rà soát, cập nhật các quy định quản lý, khai thác phương tiện giao thông điện trong quá trình xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi tới đây, Luật Chất lượng hàng hóa, Luật Bảo vệ môi trường mới được quốc hội thông qua năm 2020, Luật đầu tư...

Cần ban hành quy hoạch chi tiết cho hạ tầng xe điện ở Việt Nam.

Cần ban hành quy hoạch chi tiết cho hạ tầng xe điện ở Việt Nam.

Trong đề xuất, ông Hà cũng nêu ra những kiến nghị nhằm tạo điều kiện phát triển xe điện ở Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, ông cho rằng Nhà nước cần ban hành lộ trình phát triển xe điện ở Việt Nam, trong các khoảng thời gian với các yêu cầu và mục tiêu cụ thể. Động lực cho sự phát triển ô tô điện trên thế giới chính là các quy định về bảo vệ môi trường cùng các chính sách về thuế và chế tài xử phạt.

Tiếp đó, Nhà nước cần ban hành quy hoạch chi tiết cho hạ tầng xe điện, bao gồm các địa điểm bố trí trạm, trang thiết bị nạp của trạm, công suất các trạm và sự cân bằng giữa công suất trạm nạp với mạng lưới điện cục bộ cũng như lưới điện quốc gia.

Cùng với đó, xây dựng các chế tài nhằm cụ thể hóa các quy định về xử lý các sản phẩm thải bỏ liên quan đến xe điện như ắc quy, các ô tô, xe máy quá niên hạn sử dụng.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/se-sua-nhieu-luat-de-mo-duong-cho-xe-dien-a526375.html