Sẽ tăng mức bồi thường cho khách đi máy bay
Mức bồi thường trong vận chuyển bằng đường hàng không tới đây sẽ được điều chỉnh tăng cao hơn nhiều so với hiện nay.
Bộ GTVT đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không.
Tăng mức bồi thường để thống nhất quốc nội, quốc tế
Theo Cục Hàng không VN, Công ước Montreal 1999 về thống nhất một số quy tắc vận chuyển quốc tế bằng đường hàng không có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 26/11/2018. Công ước này quy định mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển đối với thiệt hại gây ra cho hành khách, hành lý, hàng hóa, bao gồm cả nguyên nhân do vận chuyển chậm. Mức bồi thường này được tính theo đơn vị tính toán đặc biệt (SDR) được xác định bởi Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF.
Đáng quan tâm, tháng 6/2019, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đề xuất tăng mức giới hạn trách nhiệm lên đáng kể. Dự kiến đề xuất này sẽ có hiệu lực từ ngày 28/12/2019.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, để thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước Montreal 1999, đồng thời tạo thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường của người vận chuyển, Việt Nam cần xây dựng văn bản điều chỉnh mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại này.
Được biết, theo dự thảo Nghị định mới, đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách là 128.821 SDR (so với 100.000 SDR trước đây). Trường hợp chậm trễ đối với vận chuyển hành khách, mức bồi thường tăng từ 4.150 SDR lên 5.346 SDR.
Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là 1.288 SDR thay cho 1.000 SDR như trước đây. Trường hợp hành khách có kê khai giá trị của việc nhận hành lý ký gửi tại địa điểm đến và trả một khoản phí bổ sung thì người vận chuyển phải bồi thường theo mức giá trị đã được kê khai, trừ trường hợp người vận chuyển chứng minh được rằng giá trị kê khai lớn hơn giá trị thực tế.
Với hàng hóa, mức bồi thường thiệt hại do mất mát, thiết hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là 22 SDR so với con số 17 SDR theo quy định cũ.
Được biết, dự thảo Nghị định đang được Bộ GTVT xây dựng cũng đề xuất ngày có hiệu lực là 28/12/2019, cùng ngày có hiệu lực của các sửa đổi về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển mà ICAO đã thông báo.
Hãng hàng không đồng thuận
“
SDR được tạo bởi IMF năm 1969 như một tài sản dự trữ quốc tế bổ sung trong bối cảnh Hệ thống Bretton Woods cố định hệ thống tỷ giá. Giá trị của SDR được xác định ban đầu tương đương với 0.888671 gram vàng nguyên chất - tương đương với 1 USD ở thời điểm đó. Sau khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ vào năm 1973, đồng SDR được xác định lại bằng một rổ các đồng tiền bao gồm USD, EUR, RMB, JPY và GBP. Giá trị của đồng SDR so với đồng USD được xác định hàng ngày và được đăng trên website của IMF. Nó được tính bằng tổng giá trị cụ thể của mỗi đồng tiền được định giá bằng đồng USD, dựa trên tỷ giá được niêm yết vào trưa mỗi ngày tại thị trường London. Hiện tại, giá trị 1 SDR bằng khoảng 1,37 USD.
”
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện các hãng hàng không đều đã mua bảo hiểm bắt buộc đối với các thiệt hại trong vận chuyển bằng đường hàng không với mức cao hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại mới nhất mà ICAO đề xuất nói trên. Do đó, việc thi hành Nghị định không làm phát sinh thêm chi phí của các hãng hàng không.
Cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung cập nhật các quy định để phù hợp với pháp luật quốc tế trên cơ sở không tạo xung đột với pháp luật quốc gia, hãng hàng không Vietjet chỉ băn khoăn “mức giới hạn trách nhiệm bồi thường” đang được quy định bởi Luật Hàng không dân dụng VN. Do đó, việc tồn tại song song hai mức giới hạn bồi thường khác nhau trong Luật và Nghị định có thể sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng. Đây cũng là băn khoăn chung của Tổng công ty Trực thăng VN.
Tuy nhiên, theo Cục Hàng không VN, Công ước Montreal quy định rõ cơ quan lưu chiểu sẽ xem xét lại các mức quy định 5 năm/lần. Do đó, Luật Hàng không dân dụng VN đã quy định thẩm quyền của Chính phủ về việc quyết định tăng mức giới hạn trách nhiệm trong trường hợp cần thiết.
Hay nói cách khác, Luật Hàng không dân dụng VN 2006 cũng đã giao thẩm quyền cho Chính phủ về việc điều chỉnh mức giới hạn này. Sau khi Nghị định mới có hiệu lực, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại được áp dụng thống nhất giữa vận chuyển quốc tế và quốc nội.