Sẽ thí điểm hay cấm thuốc lá thế hệ mới?
Thông tin về chính sách quản lý thị trường thuốc lá thế hệ mới trên các phương tiện truyền thông dường như đang gây bối rối, khi vừa có thông tin Bộ Công thương sẽ đề xuất cấm, lại vừa có thông tin bộ này sẽ trình Chính phủ thí điểm cho phép mở cửa nhập khẩu và kinh doanh đối với mặt hàng này.
Theo ý kiến trình bày của Bộ Công thương trước Quốc hội ngày 7/11/2023, bộ đang xem xét các phương án để quản lý đối với thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử: có thể “mở” hoặc “cấm” cùng lúc cho hai loại sản phẩm, hoặc “cấm” với loại này và “mở” với loại kia, hoặc chỉ “mở” đối với một số sản phẩm của hai loại này và còn lại là “cấm”.
Cần tham khảo thông lệ quốc tế khi đề xuất chính sách quản lý
Trước đó, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử). Trong khi đó, Bộ Tư pháp cho rằng cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá thế hệ mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay, nếu có sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nào thuộc phạm vi định nghĩa thuốc lá thì đề xuất đưa sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đó vào nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.
Giữa những quan điểm khác nhau, Bộ Công thương được kỳ vọng sẽ trình Chính phủ dự thảo chính sách quản lý mang tính toàn diện và đồng bộ theo định hướng của chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, dung hòa quyền lợi với các chủ thể liên quan, cũng như phù hợp với thông lệ của các quốc gia phát triển trên thế giới và các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Các bộ, ngành cần hợp tác chặt chẽ để đưa thuốc lá thế hệ mới vào khuôn khổ, qua đó tạo điều kiện để người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm hợp pháp, chất lượng được kiểm soát, đồng thời đưa ra các quy định phù hợp để hạn chế sự tiếp cận của trẻ vị thành niên.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đánh giá thực trạng của Việt Nam để có cái nhìn tổng thể, bao quát, toàn diện trước khi đề xuất và ban hành chính sách quản lý phù hợp.
Dựa trên sự khác biệt về đặc tính kỹ thuật giữa thuốc lá thế hệ mới và thuốc lá điếu truyền thống, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đã tạo ra một phân nhóm mới (HS 2404) cho dung dịch thuốc lá điện tử và điếu thuốc lá làm nóng biệt lập với phân nhóm HS 2402 với thuốc lá điếu truyền thống.
Ở Việt Nam, dựa theo quy định của WCO, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC ngày 8/6/2022 về Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu 2022. Qua đó, dung dịch thuốc lá điện tử và điếu thuốc lá làm nóng cùng thuộc phân nhóm HS mới là 2404. Điều này giúp tạo sự nhất quán cũng như thiết lập được cơ sở pháp lý ban đầu trong việc quản lý, kiểm soát và phân loại đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
Tuy nhiên, do các sản phẩm này chưa được phép lưu hành một cách chính thức, toàn bộ thị trường đang là sản phẩm nhập lậu. Điều này đang đặt ra rất nhiều thách thức trong công tác quản lý. Chính vì vậy, xây dựng một chính sách quản lý để đưa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào khuôn khổ đang trở nên cần thiết.
Chính sách quản lý cần bao phủ toàn bộ thị trường
Theo ông Lê Đại Hải - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, tại hội thảo “Kiểm soát thuốc lá thế hệ mới có trách nhiệm” vào tháng 7/2023 và một vài hội thảo khác đã chia sẻ “Thuốc lá mới (đặc biệt loại có chứa nguyên liệu thuốc lá), phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012, cần đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành” và “Thuốc lá thế hệ mới dù là nung nóng hay dung dịch có chứa nicotin thì đều là thuốc lá. Sản xuất và kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện”.
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã có ý kiến đề nghị đưa cả hai sản phẩm vào diện quản lý như sau: “Đồng thời trong quá trình lấy ý kiến, hiệp hội cũng thống nhất về sự cần thiết phải có chính sách quản lý đối với cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử”.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã tổ chức tọa đàm về sản phẩm thuốc lá mới, trong đó các chuyên gia cùng đi đến đồng thuận rằng: quản lý hoặc thí điểm đồng bộ, đồng thời thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là phương án tốt nhất.
Cụ thể hơn, để có giải pháp bao phủ toàn bộ thị trường thuốc lá thế hệ mới và phù hợp với thực trạng hiện nay, thì giải pháp thích hợp nhất là đồng thời thí điểm hoặc quản lý cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotin dưới cùng khung pháp lý. Việc thí điểm đồng bộ sẽ giúp các cơ quan dễ kiểm soát, người tiêu dùng dễ dàng sử dụng các sản phẩm hợp pháp đã được kiểm định tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo nguồn thu ngân sách và môi trường kinh doanh công bằng.
Bên cạnh đó, bổ sung mặt hàng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng vào dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là bước đi cần thiết để có thể áp dụng các mức thuế phù hợp ngay khi các sản phẩm này được phép sản xuất, kinh doanh, từ đó hạn chế và định hướng kịp thời việc tiêu dùng mặt hàng này.
Như vậy, dù là xây dựng chính sách quản lý dài hạn, hay thí điểm có thời hạn thì cả hai sản phẩm thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotin và thuốc lá làm nóng phải được quản lý một cách đồng bộ và đồng thời. Trường hợp, thí điểm quản lý, việc thí điểm chính sách quản lý thuốc lá điện tử có chứa nicotin và thuốc lá làm nóng một cách đồng bộ và cùng thời điểm sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan chức năng có đầy đủ thông tin cho cả hai dòng sản phẩm giúp cho việc đánh giá các tác động kinh tế xã hội một cách toàn diện hơn, tạo tiền đề cho việc thiết lập một khung pháp lý phù hợp, dài hạn trong tương lai.
Hiểu rõ về thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng
Thuốc lá làm nóng bao gồm 2 phần riêng biệt là: thiết bị điện tử có pin sạc, là công cụ hỗ trợ nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro bằng việc tạo ra cơ chế để tạo nhiệt nung nóng thay thế cho việc đốt cháy thuốc lá; sản phẩm thuốc lá làm nóng làm từ sợi Recon (thuốc lá tấm) có dạng điếu thuốc, được chế biến theo công nghệ khác với thuốc lá điếu truyền thống.
Thuốc lá điện tử có hai loại: hệ thống đóng và hệ thống mở. Hệ thống mở cho phép người dùng tự điều chỉnh dung dịch, pha trộn với các chất khác hoặc sử dụng trái với mục đích ban đầu của nhà sản xuất, dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người dùng.
Do đó, ở thời điểm hiện tại, chỉ nên cho phép lưu thông thuốc lá điện tử hệ thống đóng (có chứa nicotin) để người dùng có thể được tiếp cận với các sản được kiểm soát nghiêm ngặt hơn trong việc đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.