Sẽ tiếp cận vắc xin phòng sốt xuất huyết sớm
Hợp tác chiến lược vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) là kỳ vọng cơ hội tiếp cận vắc xin phòng bệnh này đang đến gần. Tuy nhiên, thời gian chờ vắc xin và dự báo mùa mưa sẽ kéo dài, mỗi người dân hãy làm tốt các biện pháp phòng bệnh.
Hơn 3.200 ca sốt xuất huyết
Những năm gần đây, số trường hợp mắc và tử vong do bệnh SXH diễn biến phức tạp, cũng là gánh nặng về chi phí gia đình, xã hội, ảnh hưởng sức khỏe cho cộng đồng. Tại Bình Thuận, nếu 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 6.843 ca, thì số mắc bệnh này cùng kỳ năm 2023 giảm 2,09 lần, tương ứng 3.270 ca mắc. Các huyện có số ca mắc cao là Hàm Thuận Nam 725 ca, Đức Linh 657 ca, Hàm Thuận Bắc 600 ca, Tánh Linh 399 ca, Bắc Bình 289 ca. Phú Quý có số ca mắc thấp nhất tỉnh, với 20 ca. Trong số 3.270 ca mắc thì có 117 ca bệnh nặng, 1 ca tử vong. SXH diễn biến khó lường, phức tạp, thường gặp ở trẻ em và người lớn. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh trở nặng, nguy cơ tử vong cao. Đơn cử, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận điều trị 791 ca bệnh SXH, thì có 97 ca nặng, chuyển viện 19 ca. Đặc biệt, hồi tháng 9/2023, một bé trai 7 tuổi ở Hàm Thuận Nam, nhập viện trong tình trạng sốc. Bác sĩ Khoa Nhi của bệnh viện này cấp cứu, điều trị sốc theo đúng phác đồ Bộ Y tế, nhưng bệnh trở nặng rất nhanh (sốc nặng, hôn mê sâu). Bác sĩ vừa cấp cứu vừa hội chẩn liên viện. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Hồ Chí Minh) cử bác sĩ đến Bệnh viện đa khoa Bình Thuận hỗ trợ Khoa Nhi cứu sống thành công ca bệnh này.
Nhân viên y tế giám sát mật độ lăng quăng trong dụng cụ chứa nước trong cộng đồng (TP. Phan Thiết).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Mặc dù số ca mắc bệnh SXH giảm, nhưng thời tiết hiện nay vẫn còn mưa. Dự báo, mùa mưa năm nay còn kéo dài. Điều này tạo sự thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, nguy cơ bệnh sẽ gia tăng nếu mỗi người dân không làm tốt về vệ sinh môi trường, thực hiện tốt cách phòng bệnh.
Hợp tác chiến lược
Việt Nam hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh SXH. Mỗi năm, số lượng lớn người mắc bệnh từ trẻ em đến người già, không ít trường hợp, cả nhà đều mắc bệnh. SXH làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, chi phí điều trị cũng như nguồn thu nhập của gia đình có người mắc bệnh. Mới đây, các kênh truyền thông chính thống đưa thông tin hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC (Việt Nam) và công ty thuộc Tập đoàn Takeda (Nhật Bản) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược vắc xin phòng SXH cho người dân Việt Nam.
Vắc xin phòng bệnh SXH - Takeda, TAK-003 (tên thương mại đăng ký QDENGA) được cấp phép sử dụng ở hơn 30 quốc gia. Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Argentina và các quốc gia có tình hình dịch tễ SXH tương tự như Việt Nam (TAK-003 hiện chưa có giấy phép lưu hành tại Việt Nam), Indonesia, BraziL, Thái Lan. Kết quả thử nghiệm của vắc xin tạo phản ứng miễn dịch ở mức độ khác nhau với 4 chủng vi rút (Den 1, 2, 3, 4) đang lưu hành trên thế giới, giúp phòng bệnh và giảm khả năng nhập viện ở người mắc SXH. Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu duyệt sử dụng từ 4 tuổi, không phân biệt đã từng nhiễm bệnh hay chưa.
Trong bối cảnh, Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng, SXH có những diễn biến phức tạp, cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Với hợp tác chiến lược vắc xin phòng SXH sẽ giúp giảm số ca mắc, tử vong do bệnh gây ra, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Điều này kỳ vọng cơ hội tiếp cận vắc xin phòng bệnh này đang đến gần. Trong thời gian chờ vắc xin, các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả mà không thể nào phủ nhận. Đó là vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, ngủ mùng, thoa kem xua muỗi…