Sẽ tiếp tục có nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022 và các năm tiếp theo. Nghị quyết này tiếp nối các Nghị quyết số 19 và 02 trước đây, đồng thời mở rộng, phát triển các nội dung thực hiện trong cả ngắn hạn và dài hạn (đến năm 2025).
Cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp hồi phục Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Cải thiện môi trường kinh doanh lúc này cũng cần như vắc-xin Cần tiếp tục đổi mới cải cách tư pháp, không dĩ hòa vi quý
Tiếp nối "sức nóng cải cách" để phát triển kinh tế hậu Covid
Từ năm 2014, hàng năm Chính phủ ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP từ năm 2019). Nghị quyết tập trung vào cải cách thể chế, quy định và thủ tục hành chính.
Theo đó, nghị quyết được xây dựng với các mục tiêu, giải pháp cụ thể, dựa trên 7 bộ chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín. Việc thực hiện chương trình cải cách nói trên đã đạt được kết quả tốt; được các tổ chức quốc tế ghi nhận; được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, giới chuyên gia đánh giá cao.
Bước sang nhiệm kỳ mới, từ đầu quý III năm 2021, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội đề ra, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, để thực hiện nghiên cứu, đánh giá và tham vấn các bên về ý nghĩa và sự cần thiết của việc tiếp tục ban hành và thực hiện Chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (thể hiện qua Nghị quyết số 02).
Theo đó, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và giới trí thức khoa học, chuyên gia đánh giá cao và kỳ vọng nghị quyết được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào đầu năm mới như thông lệ trước đây. Đồng thời, các bên cũng thống nhất với cách tiếp cận dựa trên đánh giá khách quan, khoa học của quốc tế trong xây dựng nghị quyết. Đây cũng là xu thế cải cách được nhiều quốc gia theo đuổi.
Việc lựa chọn cải cách theo chuẩn mực quốc tế được lý giải bởi phương pháp đánh giá của quốc tế đảm bảo tính khách quan, dựa trên nguồn dữ liệu độc lập và có tính liên tục, dài hạn. Nhờ đó, các quốc gia có thể nhận diện được mức độ cải cách theo thời gian và tương quan với các nền kinh tế khác.
Đồng thời, cải cách theo chuẩn mực quốc tế góp phần tạo lập và nâng cao hình ảnh, vị thế của quốc gia. Các nhà đầu tư thường nhìn vào kết quả xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín để lựa chọn thị trường, quyết định đầu tư.
Việc tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế cũng để tạo áp lực thúc đẩy cải cách, thúc đẩy quá trình làm chính sách tốt hơn. Cộng đồng doanh nghiệp, giới tri thức đã luôn đồng tình, ủng hộ cách tiếp cận này. Việc ban hành nghị quyết sẽ tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp.
Trên tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022 và các năm tiếp theo. Nghị quyết này tiếp nối các Nghị quyết số 19 và 02 trước đây, đồng thời mở rộng, phát triển các nội dung thực hiện trong cả ngắn hạn (theo năm) và dài hạn (đến năm 2025).
6 trọng tâm cải cách trong giai đoạn 2022 - 2025
Nguyên tắc trong lựa chọn mục tiêu, nội dung, giải pháp và giao nhiệm vụ tại nghị quyết là bám sát định hướng cơ bản về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Chiến lược đã thể hiện khá đậm nét định hướng và yêu cầu về cải cách này.
Theo đó, lựa chọn mục tiêu, nội dung, giải pháp và giao nhiệm vụ dựa trên ba nguyên tắc: tư duy cải cách theo chuẩn mực quốc tế; xác định các tiêu chí cụ thể dựa trên các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới; giao nhiệm vụ có tính áp đặt và thiết lập kỷ cương trong triển khai.
Việc tổ chức thực hiện sẽ theo hướng phân công cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm cho từng nhóm tiêu chí; từng chỉ tiêu cụ thể; thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các vướng mắc, bất cập. Các nhiệm vụ, giải pháp thiết kế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, nghị quyết lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025, bao gồm: Cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; loại bỏ rào cản đối với đầu tư kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; cải cách về đăng ký đất đai và bất động sản; phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.