Sẽ trình cấp có thẩm quyền giải pháp về thuế để điều hành linh hoạt giá xăng dầu
Giảm thuế để giảm giá xăng dầu là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính sáng 8/6. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, giảm thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Do đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để trình Chính phủ trình Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH để quyết định giá, thuế xăng dầu cho linh hoạt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Để giảm giá xăng dầu cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp Giá xăng dầu Việt Nam dù tăng vẫn trong mức trung bình thế giới Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế xăng động cơ không pha chì xuống còn 12%
Giá không chỉ phụ thuộc vào thuế mà còn là quan hệ cung cầu
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) quan tâm đến giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hiện đang đứng ở mức cao, ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ Tài chính về các ý kiến đề nghị cần tiếp tục có các biện pháp giảm các khoản thuế xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian này.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, so với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia và một số nước khác thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn, từ 2.000 đồng/lít đến khoảng 10.000 đồng/lít.
Về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thời gian qua, chúng ta đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Cả nước đã giảm 24 nghìn tỷ đồng tiền thu ngân sách. Hiện xăng dầu chịu các loại thuế là: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế giá trị gia tăng (GTGT). Việc có giảm thuế TTĐB hay không thuộc thẩm quyền của Quốc hội. “Chúng tôi sẽ đánh giá tác động để báo cáo Chính phủ trình UBTVQH, trình Quốc hội để giảm thuế xăng dầu để giảm giá” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Tuy nhiên, nhìn nhận việc giảm giá xăng dầu để bình ổn thị trường, theo Bộ trưởng, phải thực hiện chính sách đồng bộ, không chỉ thực hiện giảm thuế để giảm giá. Nếu để tình trạng buôn lậu xảy ra thì vô hình trung dòng tiền của chúng ta chảy ra nước ngoài.
Giá không chỉ phụ thuộc vào thuế mà còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu; mua ở đâu để rẻ cũng phải tìm nguồn cung, cũng là vấn đề cần phải nghiên cứu.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần đẩy mạnh sản xuất trong nước. Hiện nay chúng ta sử dụng 21 triệu tấn/năm, sản xuất trong nước là 11 triệu tấn, nhập khẩu 10 triệu tấn. Nhà máy Bình Sơn công suất đảm bảo nhưng nhà máy Nghi Sơn sản lượng thấp, có giai đoạn dừng sản xuất nên thời gian tới phải có biện pháp đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Vấn đề đặt ra là có giảm thuế hay không, thì thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và UBTVQH. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để trình Chính phủ, trình Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH để quyết định giá, thuế trong xăng dầu cho linh hoạt.
Rà soát, siết lại các công ty thẩm định giá
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) hỏi về tình trạng vi phạm trong hoạt động thẩm định giá thời gian qua và Bộ Tài chính đã có những biện pháp gì để triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, từ năm 2015 đến nay cả nước có 431 công ty thẩm định giá, sau khi Nghị định 12/2022/NĐ-CP ra đời, đã rà soát chỉ còn 279 công ty thẩm định giá hoạt động.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) hỏi về tình trạng vi phạm trong hoạt động thẩm định giá.
“Những vi phạm thời gian qua liên quan đến thẩm định giá trong lĩnh vực giáo dục, thiết bị y tế. Những sai phạm hình sự vì có sự thông đồng, móc ngoặc làm thất thoát ngân sách và phương hại tới các tổ chức cá nhân đã bị xử lý. Bộ Tài chính cũng đã tăng cường kiểm tra, thanh tra các công ty thẩm định giá. Những công ty và thẩm định viên không đủ điều kiện đã bị đình chỉ, cấm hoạt động. Tuy nhiên, đối với các hành vi sai phạm cụ thể của các thẩm định viên thì (họ) phải tự chịu trách nhiệm” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính thời gian qua đã tổ chức các lớp đào tạo cho các doanh nghiệp và thẩm định viên về giá, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, để thực hiện thẩm định giá một cách tốt nhất.
Nghiên cứu đưa sách giáo khoa vào mặt hàng định giá
ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng đưa ra những giải pháp để giải quyết về vấn đề liên quan tới giá sách giáo khoa mà nhân dân cả nước đang rất quan tâm trong thời gian qua.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sách giáo khoa không phải mặt hàng Nhà nước định giá, mà chỉ là mặt hàng các doanh nghiệp phải kê khai giá. Trên cơ sở đó, người mua lựa chọn những đơn vị nào mà giá thấp và chất lượng trên tinh thần niêm yết giá công khai, minh bạch. Nhà nước chỉ thẩm định giá với các loại giá với sản phẩm mua từ ngân sách nhà nước.
ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) hỏi về việc rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật Giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá.
Theo Bộ trưởng, việc đưa mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong thời gian tới, khi bàn đến sửa Luật Giá, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đưa mặt hàng này vào danh mục phải định giá để xin ý kiến Quốc hội./.