Sẽ trình Quốc hội thí điểm chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Sau khi hoàn thiện, dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội sẽ được trình Quốc hội quyết định ngay tại Kỳ họp thứ 9.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét theo quy trình thủ tục rút gọn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét theo quy trình thủ tục rút gọn.

Chiều 25/4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Báo cáo nội dung này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia từ nguồn ngân sách nhà nuớc cấp và nguồn hợp pháp khác theo quy định để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tu, tạo lập nhà ở xã hội; hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tu hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tu xây dựng nhà ở xã hội, đối tuợng huởng chính sách nhà ở xã hội.

Thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia; đồng thời đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết; làm rõ các nhiệm vụ chi của Quỹ để bảo đảm nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.

Tại dự thảo, Chính phủ cũng đề xuất cho phép Nhà nước hoàn trả hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính các khoản chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với những chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định.

Theo đó, các khoản chi phí được đề xuất hoàn trả hoặc khấu trừ bao gồm: tiền sử dụng đất; kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các khoản chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội liên quan đến việc tạo lập quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Ông Sinh giải thích, trong quá trình thực hiện các dự án nhà ở xã hội, có nhiều trường hợp doanh nghiệp chủ động nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người dân, tự bỏ vốn ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, các chi phí này không được hoàn trả hoặc không được tính vào cơ cấu giá bán nhà ở xã hội, trong khi tỷ suất lợi nhuận định mức bị khống chế theo quy định.

Việc hoàn trả hoặc khấu trừ các khoản chi phí này sẽ giúp tăng tính hấp dẫn và thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nhà ở xã hội - một lĩnh vực có vai trò an sinh nhưng không mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên cho biết, nhiều ý kiến không đồng thuận với đề xuất này và đề nghị không đưa nội dung hoàn trả chi phí giải phóng mặt bằng vào nghị quyết.

Các ý kiến này cho rằng, việc hoàn trả chi phí thực chất là chính sách chi ngân sách gián tiếp với phạm vi ảnh hưởng rộng. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, việc hoàn trả các chi phí cho nhà đầu tư có thể tạo gánh nặng tài khóa cho trung ương và địa phương, đặc biệt nếu không kiểm soát tốt số lượng dự án và quy mô chi phí được hoàn trả.

Theo ông Liên, dự thảo chưa có báo cáo đánh giá tác động chính sách về nguồn lực tài chính cần thiết, khả năng cân đối và bố trí ngân sách để thực hiện chính sách này. Cùng đó, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, trong hồ sơ trình Quốc hội cũng chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính – cơ quan có trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước.

Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, chính sách hoàn trả chi phí cho chủ đầu tư nhà ở xã hội là nội dung mới, chưa có trong kết luận của Bộ Chính trị về chính sách phát triển nhà ở xã hội. Do đó, nếu tiếp tục giữ đề xuất này, cần có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền.

Mặt khác, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, việc mở rộng chính sách hoàn trả chi phí dễ dẫn tới tình trạng kê khai không đúng thực tế các khoản bồi thường, thổi giá chi phí đầu tư hạ tầng, gây thất thoát ngân sách nếu không có cơ chế kiểm soát minh bạch và chặt chẽ.

Trong khi đó, dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ ràng về cơ chế hậu kiểm, kiểm toán, giám sát thực hiện chính sách.

Ông Liên cũng phản ánh, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đồng ý với đề xuất này song cho rằng, cần báo cáo Bộ Chính trị về nội dung này, đồng thời cần quy định chặt chẽ thời điểm hoàn trả, có thể phải đến khi chủ đầu tư hoàn thành dự án, tránh trường hợp chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ dẫn đến mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội không đạt được, làm thất thoát nguồn lực mà Nhà nước đã hoàn trả.

Về nội dung khác, Cơ quan thẩm tra đề nghị không mở rộng đối tượng được bố trí nhà ở xã hội là các “chuyên gia” để bảo đảm phù hợp với mục tiêu chính sách của Đảng và Nhà nước là tập trung phát triển loại hình này cho người có thu nhập thấp. Trong khi đối tượng chuyên gia đã có nhiều ưu đãi theo các chính sách mới về thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan nhà nước được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho công chức của mình ở, nhất là tại các địa phương thực hiện sáp nhập, tạo thuận lợi cho việc thực thi công vụ của các đối tượng này.

Sau thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét theo quy trình thủ tục rút gọn, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ chín khai mạc ngày 5/5 tới.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định để nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến cơ quan thẩm tra và ý kiến thào luận để đánh giá tác động cụ thể hơn những chính sách đặc thù, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/se-trinh-quoc-hoi-thi-diem-chinh-sach-dac-thu-thuc-day-phat-trien-nha-o-xa-hoi-d273428.html