Sẽ trưng bày ra sao trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia?

Sẽ không còn là chuyện để bàn cãi rằng 'có nên làm hay không' khi mà việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã bắt đầu được khởi động.

Phối cảnh BTLS Quốc gia trong tương lai. Ảnh: HP.

Phối cảnh BTLS Quốc gia trong tương lai. Ảnh: HP.

Điều đang khiến nhiều người quan tâm là công trình này liệu có tạo ra môi trường văn hóa mới mẻ nào cho ngành bảo tàng hay không? Những gì sẽ được trưng bày trong đó?

Hiện vật chưa xứng tầm?

Theo kế hoạch, 2 Bảo tàng Cách Mạng và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sẽ sáp nhập lại thành Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLS Quốc gia). Hiện hai bảo tàng “con” này đã sở hữu gần 20 vạn tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử dân tộc. Thạc sỹ Nguyễn Thu Hoan, Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày BTLS Quốc gia cho rằng: Tuy số lượng hiện vật lớn như trên nhưng vấn đề đã nảy sinh khi BTLS Quốc gia tiến hành lập danh mục tài liệu, hiện vật phục vụ công tác xây dựng đề cương trưng bày thì số hiện vật nói trên của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chưa xứng tầm với bề dày lịch sử - văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc. Không chỉ thiếu về loại hình mà ngay cả số lượng hiện vật đáp ứng được yêu cầu về nội dung và thẩm mỹ trưng bày chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Hầu hết những hiện vật tinh túy nhất đều đã đưa lên hệ thống trưng bày của hai bảo tàng, số lượng hiện vật có khả năng thay thế còn lại không nhiều nên hai bảo tàng đã gặp nhiều khó khăn trong việc đổi mới, luân chuyển hiện vật phục vụ nội dung trưng bày. Vì vậy, số lượng và chất lượng, loại hình tài liệu, hiện vật đang lưu giữ ở hai Bảo tàng hiện nay chưa đáp ứng được nội dung trưng bày mà Đề án xây dựng BTLS Quốc gia và Đề cương tổng quát nội dung và hình thức trưng bày BTLS Quốc gia đặt ra.

Như vậy, phía dự án xây dựng BTLS Quốc gia đang cho rằng số lượng cũng như chất lượng của các hiện vật hiện nay chưa đủ để trưng bày cho BTLS Quốc gia sắp được xây dựng. Chúng tôi đã liên hệ với nhiều cán bộ của Bảo tàng Lịch sử để hỏi thêm các khó khăn trong công tác thu thập, sưu tầm thêm hiện vật. Tuy nhiên, dường như những thông tin phản đối về việc xây dựng bảo tàng này trước đây đã khiến các cán bộ này đều dè dặt trong việc đưa ra các thông tin, nhận định. Ngay cả Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là ông Nguyễn Văn Cường cũng chỉ cho biết kế hoạch xây dựng BTLS Quốc gia còn rất dài và “chưa muốn có phát biểu chính thức gì về vấn đề này”!

Sự hấp dẫn không nằm ở số lượng!

Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, bảo tàng Hermitage của Liên bang Nga – một trong những bảo tàng đông khách nhất thế giới hiện có tới 3 triệu hiện vật được trưng bày trong 70 phòng. Như vậy, nếu so sánh về mặt hiện vật thì số lượng 20 vạn nói trên của Việt Nam quả là quá ít ỏi.

Tuy nhiên, Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc - 1 trong 6 bảo tàng hiện đại nhất thế giới và thu hút được nhiều khách tham quan cũng chỉ tập trung trưng bày trên 11.000 cổ vật. Bảo tàng này có tổng diện tích khoảng 307.227m2, kinh phí xây dựng hơn 500 triệu USD và có 45 phòng triển lãm.

Gần hơn với chúng ta có lẽ là Bảo tàng Dân tộc học với 15.000 hiện vật. Nếu nhìn vào số lượng hiện vật thì bảo tàng này không có nhiều. Tuy nhiên, theo thống kê nơi đây luôn được xếp là bảo tàng đông khách nhất Việt Nam.

Vậy câu hỏi khiến nhiều chuyên gia bảo tồn, bảo tàng phân vân là số lượng hiện vật có phải là điều kiện lớn nhất khiến một bảo tàng thu hút được khách đến tham quan hay không? Ông Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho rằng: “Nếu nói bảo tàng chúng ta thiếu hiện vật là không chính xác. Vì hiện nay, chúng ta sở hữu rất nhiều hiện vật, phong phú nữa là khác. Nhưng vấn đề là chúng ta chưa tổ chức trưng bày tốt, chưa phát huy hết giá trị của các hiện vật, bộ sưu tập, vô tình làm lãng phí chúng”.

Trên thực tế, Bảo tàng Dân tộc học hay những bảo tàng có số lượng hiện vật không nhiều khác vẫn thu hút được lượng người tham quan đông, được nhiều người đánh giá là có cách trưng bày, bố trí tốt. Nhiều người đang kỳ vọng vào một BTLS Quốc gia mới sẽ có cách trưng bày thực sự xứng tầm với một bảo tàng cấp quốc gia và đáp ứng được lòng mong mỏi của đông đảo nhân dân là có được một địa chỉ văn hóa thực sự có ý nghĩa.

Địa điểm xây dựng BTLS Quốc gia tại Khu A, ô đất số 7 trong công viên Hữu Nghị thuộc Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội; quy mô nghiên cứu sử dụng đất khoảng 10 ha, trong khuôn viên 28 ha của Công viên Hữu Nghị.

10ha trong khuôn viên 28 ha của Công viên Hữu Nghị; bao gồm: diện tích xây dựng công trình: 30.000m2; diện tích trưng bày ngoài trời: 30.000m2; khu tưởng niệm danh nhân: 1.520m2; diện tích hoạt động văn hóa cộng đồng: 10.000m2; diện tích cây xanh sân vườn, giao thông nội bộ: 30.000m2; tổng diện tích sàn: 91.890m2; mật độ xây dựng 27,83%.

Hoàng Phương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/van-hoa/se-trung-bay-ra-sao-trong-bao-tang-lich-su-quoc-gia-20130703035529933.htm